Cần sửa tội kinh doanh trái phép

Từ Khôi 21/07/2015 09:25

Việc loại bỏ nội dung “kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký” ra khỏi tội “kinh doanh trái phép”, cũng đã nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp tại toạ đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Sau khi gia nhập WTO năm 2007 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có bước chuyển mình vượt bậc. Cơ hội kinh doanh mở ra với hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Từ tháng 7/2015, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực thay thế Luật Doanh nghiệp 2005 đã bỏ đi nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Thế nhưng, rất cần thiết phải sửa đổi những quy định tương ứng trong Luật Hình sự để “ăn khớp”với Luật Doanh nghiệp và tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong đó có quy định về tội Kinh doanh trái phép tại khoản 1 Điều 159 Luật Hình sự.

Ví dụ điển hình từ thực tế về tội kinh doanh trái phép trong thời gian vừa qua là vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Cùng với tội danh kinh doanh trái phép, bầu Kiên còn bị truy tố về các tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế. Trong đó, tội kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên tạo ra nhiều ý kiến tranh luận.

Theo kết luận điều tra, cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty để kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng trạng thái trái phép. Riêng hoạt động tài chính với số tiền gần 10 ngàn tỷ đồng gồm các hành vi: Mua trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng, góp vốn, mua cổ phần của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp. Kết luận điều tra, cáo trạng nêu các công ty này không có chức năng kinh doanh tài chính nên việc các công ty này mua trái phiếu chuyển đổi, góp vốn, mua cổ phần là trái pháp luật.

Khoản 1 Điều 159 Luật Hình sự có quy định những nội dung vi phạm của tội kinh doanh trái phép, trong đó có nội dung vi phạm: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký... Nếu đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên thì ngay cả cá nhân kinh doanh mà không có giấy phép cũng có thể đi tù. Và bao nhiêu người quen kinh doanh kiểu mang “hàng xách tay” từ nước ngoài về bán cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tế cũng đã xảy ra trường hợp này như năm 2012, nam người mẫu Vĩnh Thụy (trú tại TP HCM) bị bắt và truy tố vì tội kinh doanh trái phép. Hành vi của Vĩnh Thụy chỉ là đi du lịch sang Australia và tranh thủ mua điện thoại iPhone và máy tính xách tay Apple Macbook về bán kiếm lời. Tổng số lượng “hàng xách tay” trong tháng 3 và 5/2010 là 75 thiết bị điện tử. Vĩnh Thụy đã bị kết án 6 tháng tù vì tội danh trên.

Khoản 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định doanh nghiệp phải “Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật khi kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” đã được thay đổi. Tại Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 đã cho phép doanh nghiệp được “Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”.

Gần đây, trong cuộc tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bà Lê Thị Hòa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng: Việc bỏ tội kinh doanh trái phép sẽ giúp đổi mới chính sách hình sự, nhằm khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự năm 1999 - vốn đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, việc loại bỏ nội dung “kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký” ra khỏi tội “kinh doanh trái phép”, cũng đã nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp tại toạ đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Từ Khôi