Bài cuối: MTTQ các cấp góp phần giữ nghiêm kỷ cương, phép nước
Để gìn giữ và tôn vinh một chính sách tốt đẹp, yêu cầu các cấp có trách nhiệm phải vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ. Từ các cơ quan pháp luật, chính quyền, cho đến sự vận động tuyên truyền của MTTQ, các đoàn thể ở cơ sở. Điều đầu tiên, trước mắt cần tuyên truyền, vận động, có ưu tiên, khoan hồng cho chính những đối tượng hưởng không đúng chính sách, hưởng sai chính sách chấm dứt việc vi phạm này.
Chăm sóc sức khỏe người có công.
Ăn quả nhớ người trồng cây; Uống nước nhớ nguồn, đây là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Đảng, Nhà nước rất coi trọng công tác chính sách người có công, trong đó có chính sách với các thương binh, bệnh binh và gia đình, người thân của họ. Việc một số đối tượng trục lợi, để hưởng chính sách ngoài việc vi phạm pháp luật, đã xúc phạm đến một chính sách tốt đẹp, xúc phạm đến chính những thương binh, bệnh binh. Vấn đề cần phải ngăn chặn, xử lý triệt để, giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, đảm bảo công bằng.
Đảm bảo công bằng
Không đơn giản mà người dân ở một số địa phương đã phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo các đối tượng đang thụ hưởng chính sách người có công một cách bất hợp pháp, không đúng, không đủ các điều kiện. Hơn ai hết, chính những người ở gần các đối tượng ấy hiểu hơn cả về bản chất không đơn giản của các vi phạm.
Cũng có những trường hợp chỉ vì tình làng, nghĩa xóm, bạn bè, vì cả nể mà không ít người đã cầm bút viết, ký xác nhận cho người không đủ điều kiện để đề nghị được hưởng chính sách. Và rồi cũng nhiều người đã phải rất trăn trở, băn khoăn khi viết đơn tố cáo, kiến nghị. Bởi lắm khi chính đối tượng lại từng là bạn bè, đồng đội, đồng niên, đồng hương... Không ít gia đình, đối tượng đang hưởng chính sách không đúng có hoàn cảnh khó khăn, tuổi già không có nguồn thu, trợ cấp nào khác. Không ít người cả gia đình trông vào khoản trợ cấp không chính danh kia. Tuy nhiên, tất cả phải trên cơ sở đảm bảo công bằng.
Người dân ở một xã thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh từng đã phải viết đơn tố cáo ông chủ tịch xã “được hưởng chế độ thương binh đã từ lâu, nhưng thực chất không bị thương gì hết”. Còn dân ở một xã thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã viết đơn phản ánh tình trạng thương bệnh binh giả ở địa phương mình.
Nào, tâm sự từ chính những người trong cuộc, một ông chủ quán ăn: “Việc chạy vạy, lo lót là nhờ sự nhạy bén, khôn ngoan của vợ, tôi chẳng biết gì, chỉ biết lo tiền”; hay nguyên một TNXP: “Chúng tôi đi TNXP khóa 72-74, làm đường ở Tân Kỳ- Nghĩa Đàn. Chẳng có ai bị thương cả, mỗi người tự bịa ra vết thương rồi làm chứng cho nhau”. Có vị cán bộ hưu của xã rằng: “ba anh em chúng tôi mất mỗi người một con bò thì được thương binh”; còn một thường dân thì “Hai vợ chồng tôi chạy thương binh đắt nhất xã, mất 3 con bò”...v.v..
Thương, bệnh binh tiêu chuẩn không đủ, đúng đối tượng xuất phát từ việc cả nể, xuê xoa, lơi lỏng để chứng nhận đã là việc đáng trách. Còn thương binh, bệnh binh do dựng nên từ hồ sơ giả, rút tiền của nhà nước, của nhân dân thì đó là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hành vi vi phạm không khác gì tội lừa đảo, tham nhũng.
Gìn giữ một chính sách tốt đẹp
Sau chiến tranh, hình tượng những anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người đã hy sinh, mất một phần xương máu, luôn được cả xã hội trân trọng. Từ những hình ảnh những em bé dắt tay người thương binh qua đường, nhường ghế trên xe, đến việc nhiều phụ nữ dành cả tuổi thanh xuân, cuộc đời mình để chăm sóc cho các anh.
Ngay cả những học sinh, bạn bè trang lứa cũng nhìn nhận bạn bè mình là con em những thương bệnh binh với nghĩa cử tốt đẹp. Không một ai suy bì, đắn đo về những chính sách ưu tiên, ưu đãi với các thương, bệnh binh và gia đình, người thân của họ. Đây đã là một truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay của dân tộc, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta.
Vậy nhưng, truyền thống, chính sách tốt đẹp ấy đã bị một số đối tượng lợi dụng. Dù số lượng thương, bệnh binh giả chỉ là số ít, chiếm tỉ lệ nhỏ trong các thương bệnh binh, nhưng sự lợi dụng ấy đã chà đạp lên truyền thống, lên một chính sách thiêng liêng, chà đạp lên lòng tự trọng của chính những người đã hy sinh xương máu.
Vì sao một chính sách tưởng như khó, không thể vi phạm ấy lại có thể bị lợi dụng, bị vi phạm? Xin đừng đổ lỗi hết cho những người bỏ tiền mua hồ sơ, bỏ tiền, chạy chính sách. Bởi nếu pháp luật được duy trì nghiêm, các cán bộ làm công tác xét duyệt, kiểm tra làm tròn trách nhiệm thì đã ngăn chặn, hạn chế, không để xảy ra tình trạng trên.
Cùng với tình trạng thương binh giả, cũng rất đáng lo ngại và nan giải, đó là tình trạng làm giả, chạy chế độ chính sách nạn nhân chất độc da cam. Vết thương giả người ta còn làm được, huống chi nạn nhân chất độc da cam mà những ảnh hưởng trong cơ thể người chỉ có những người trong cuộc, những người chứng nhận mới nắm được. Sự thật khó phơi bày khi người ta cùng đồng lõa với nhau. Chính vì điều này mà đã có những đối tượng coi thường, cố tình vi phạm pháp luật.
Cũng chính vì thiếu công bằng, vàng thau lẫn lộn, sự làm ngơ, không mạnh tay của các cấp chính quyền ở một số địa phương nên người ta lại càng nhắm mắt làm liều. Một đối tượng làm giả đã “phân tích”: “Bộ ở xa, Sở xao nhãng, huyện thờ ơ, xã tiếp tay làm sao không loạn. Thanh tra rà soát 8 năm trời... mới xử lý được 7.000 đối tượng giả… Tôi chưa thấy ai đi tù vì tội làm da cam giả, thương binh giả. Phát hiện ra thì cũng chỉ bị cắt chế độ là cùng, dân lại hoàn dân….”
Để gìn giữ và tôn vinh một chính sách tốt đẹp, yêu cầu các cấp có trách nhiệm phải vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ. Từ các cơ quan pháp luật, chính quyền, cho đến sự vận động tuyên truyền của MTTQ, các đoàn thể ở cơ sở. Điều đầu tiên, trước mắt cần tuyên truyền, vận động, có ưu tiên, khoan hồng cho chính những đối tượng hưởng không đúng chính sách, hưởng sai chính sách chấm dứt việc vi phạm này.
Mặc dù đã không dễ dàng, nhưng Bắc Giang đã là một trong những địa phương điển hình tích cực trong việc giải quyết có hiệu quả những trường hợp làm giả hồ sơ thương binh cũng như những tồn tại từ trước đó.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan pháp luật, chính quyền nơi đây, sự tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể đã giúp cho một số đối tượng lỡ vi phạm nhận thức ra vấn đề. Không ít người lỡ vi phạm đã tự nguyện xin rút, xin thôi hưởng chính sách, trả lại những gì mình đã hưởng không đúng. Đây cũng chính là sự thể hiện danh dự, bảo vệ, gìn giữ một chính sách, truyền thống tốt đẹp của dân ta.