Trở về với bản thể con người
Cái ôm đầu tiên cần được nhìn không phải chỉ ở thông điệp của ngành y tế, mà nó là một thông điệp xã hội mạnh mẽ về sức mạnh của tự nhiên, của bản thể con người mà chỉ có trở về đúng nghĩa, mới cứu rỗi nổi những tâm hồn con người đang mỗi ngày bị bủa vây bởi rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Từ Dũ (TP HCM).
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới phát động một chiến dịch mang tên “Cái ôm đầu tiên”, được cho là có thể cứu sống hàng triệu trẻ sơ sinh. Hiểu nôm na “Cái ôm đầu tiên” là cái ôm của người mẹ đối với một đứa trẻ vừa được sinh ra ngay từ phút giây đầu tiên. Chao ôi, một thông điệp lớn lao của cả ngành y tế thế giới nào có xa lạ gì với những người mẹ Việt Nam vốn hàng nghìn năm vẫn sinh con ra cùng lắm bằng một bà đỡ trong làng và tự ôm lấy đứa con của mình. Vậy có thể hiểu chiến dịch này như một cách trở về với tự nhiên mà sau nhiều bước đi văn minh, nhân loại lại thấy cần phải trở về.
Người ta có thể giải thích một cách khoa học về chiến dịch này rằng đó là biện pháp chăm sóc trẻ sơ sinh sớm bắt đầu bằng duy trì tiếp xúc da - kề - da giữa mẹ và bé ngay sau sinh. Phương pháp đơn giản này giúp ủ ấm trẻ, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt và là biện pháp khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Theo các nhà khoa học, “Cái ôm đầu tiên” vô cùng hữu ích cho cả mẹ và bé.
Ngay khi chào đời, trẻ được nằm trên bụng mẹ, da kề da, điều này giúp cho bà mẹ giảm các stress, lo lắng trong quá trình mang thai, giảm nguy cơ băng huyết. Em bé giảm biến chứng nguy hiểm sau sinh; được cảm nhận sự chăm sóc, ủ ấp ngay trong những giây phút đầu đời. Đó là những yếu tố tích cực giúp bé vững vàng khi bắt đầu quen với các yếu tố môi trường, chống đỡ các vi khuẩn môi trường bên ngoài, từ đó cứng cáp, phát triển khỏe mạnh hơn.
Khoa học mỗi ngày một hiện đại nhưng theo con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, vẫn có khoảng 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời mỗi năm. Các nguyên nhân cơ bản nhất tử vong hoặc bệnh tật ở trẻ sơ sinh, như đẻ non (sinh non), sơ sinh nhẹ cân hoặc mắc nhiễm trùng nặng như viêm phổi hoặc tiêu chảy. Và Chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” như là một cách để giảm thiểu những nguyên nhân trên.
“Cái ôm đầu tiên” có thể hiểu như sự “sửa sai” của chính nền y học hiện đại. Chính ở các bệnh viện, đứa trẻ mới bị tách khỏi người mẹ để được chăm sóc ở một phòng riêng dành cho trẻ sơ sinh. Những bà mẹ Việt Nam sinh con ở nhà thời lạc hậu xa xưa hay các trạm y tế làng xã, các nhà hộ sinh đều đã không phải chịu sự “cách ly” này. Ngay cả chuyện cho trẻ em bú cũng vậy, một thời chính các bệnh viện tách trẻ em ra khỏi mẹ, không cho trẻ bú mẹ ngay và thậm chí còn quy định cho bú theo giờ.
Câu chuyện giản dị về cái ôm đầu tiên, một hành vi giản dị, một hành động giản dị mà y học văn minh loanh quanh đi một hồi rồi lại trở về với bản thể tự nhiên chỉ là một trong nhiều việc khác mà nhân loại đang vật vã trở về. Rộng hơn, bên ngoài chuyện y học là những việc mà thời gian ngày càng chứng minh rằng nếu càng cưỡng lại, càng đi ngược lại tự nhiên thì loài người ngày càng phải trả giá đắt.
Cái ôm đầu tiên là cái ôm yêu thương của người mẹ. Có ai thử đi làm một thống kê xem, bên ngoài những lý do mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, thì những đứa trẻ không được ôm đầy yêu thương vào lúc chào đời, sẽ có tính cách thế nào so với những đứa trẻ khác? Đặt ra câu hỏi ấy là để thấy rằng dù có hiện đại đến đâu, văn minh đến đâu, không phát triển đúng quy luật tự nhiên, thì sẽ có những vật vã đau đớn.
Cho dù có không phải là một người mẹ hiểu biết để đưa ra được những lý do như Tổ chức Y tế thế giới thì tôi tin rằng bất kể người mẹ nào khi ôm ấp đứa con vừa mới chào đời trong vòng tay yêu thương của mình cũng hiểu rằng mình đang truyền cho nó bao nhiêu là yêu thương, bao nhiêu là sức mạnh. Không có vắc xin nào mạnh mẽ hơn để một đứa trẻ chống chọi với thế giới bên ngoài như vắc xin lòng mẹ.
Trong tình hình hiện nay khi tội ác càng ngày càng mang những gương mặt rất trẻ chúng ta càng phải tin và hãy cố gắng để mỗi đứa trẻ sinh ra được chào đón bằng yêu thương. Không có một tâm hồn nào sau những yêu thương lại trở thành độc ác đến mất hết tính người. Cái ôm đầu tiên là một ví dụ rõ rang để cùng với nó chúng ta thử tìm xem còn những việc gì khác chúng ta đang làm ngược lại, không đúng với tự nhiên để thay đổi kịp thời.
Cái ôm đầu tiên cần được nhìn không phải chỉ ở thông điệp của ngành y tế, mà nó là một thông điệp xã hội mạnh mẽ về sức mạnh của tự nhiên, của bản thể con người mà chỉ có trở về đúng nghĩa, mới cứu rỗi nổi những tâm hồn con người đang mỗi ngày bị bủa vây bởi rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối.