Lệch pha cung - cầu
Trong khi hàng loạt nhà ở thương mại cao cấp liên tục được các công ty “chào hàng” trên thị trường bất động sản (BĐS) thì chương trình phát triển nhà ở xã hội lại bị rơi vào cảnh bế tắc vì thiếu nguồn cung…
Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Dồi dào nguồn căn hộ cao cấp
Theo giới kinh doanh BĐS, thời gian gần đây các dự án mở bán cung cấp nhiều sản phẩm với sự lựa chọn đa dạng về diện tích và mục đích sử dụng. Các dự án với những tiêu chuẩn cao, đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng ngày càng phổ biến. Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết, tính hết quý II năm 2015 thị trường sơ cấp có khoảng 26.000 căn hộ, tăng 27% theo quý và 72% theo năm.
Trong đó, chỉ tính riêng quý II có đến 11 dự án mới cùng 8 dự án hiện hữu với hơn 9.700 căn hộ. Đây là thời điểm có số lượng nguồn cung căn hộ mới nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây.
Năm 2015, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án cao cấp được khởi công xây dựng dọc theo tuyến sông Sài Gòn, dọc tuyến Metro, Thảo Điền, khu đô thị mới Thủ Thiêm… tạo nên một thị trường BĐS cực kỳ sôi động với giá trên 2 tỷ đồng/căn hộ. Ngoài những vị trí đắc địa kể trên, trong thời gian tới VinGroup sẽ đầu tư vào khu Ba Son khoảng 5.000 - 7.000 căn hộ cao cấp. Không chỉ mở rộng địa bàn và vị trí thuận lợi, DN BĐS còn tăng lượng căn hộ cao cấp với vài chục ngàn căn với kỳ vọng tới đây thị trường BĐS sẽ sôi động hơn khi có thêm tài chính mới. Nói về thị trường BĐS ở thời điểm hiện nay các chuyên gia BĐS bày tỏ quan ngại vì sự nở rộ các dự án căn hộ cao cấp trên thị trường.
“Tôi đang lo ngại, bong bóng BĐS sẽ sớm quay trở lại, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Lý do, lượng căn hộ cao cấp tăng quá cao và quá nhanh”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nhận định. Mặc dù, phân khúc căn hộ cao cấp đang bị cảnh báo sẽ gây “bội thực” cho thị trường vì nguồn cung quá lớn song DN vẫn tiếp tục đầu tư lớn vào phân khúc này vì lợi nhuận hoàn toàn không nhỏ.
Nhà ở xã hội vắng bóng
Trong khi các “đại gia” BĐS ồ ạt tập trung phát triển căn hộ cao cấp với giá tiền tỷ trở lên để thu lợi nhuận lớn trong hoạt động đầu tư thì thị trường nhà ở xã hội đang rơi vào tình trạng bế tắc do nguồn cung quá ít. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) cũng “chào hàng” khoảng 1.000 căn hộ nhà ở xã hội với dự án Jamona Aparment (quận 7). Kết quả, số khách hàng đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội Jamona Aparment vượt 20% so với nguồn cung. Hiện Sở Xây dựng TP HCM đã duyệt được 400 - 450 hồ sơ có thể mua nhà ở xã hội ở dự án nêu trên.
Được đánh giá là công ty tham gia khá đắc lực trong việc phát triển nhà ở xã hội, thời gian qua, Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân tung ra thị trường một vài dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP HCM. Nhằm phát triển nhà ở xã hội trong tương lai mới đây UBND TP HCM vừa ban hành văn bản công nhận Công ty cổ phần Tư vấn- Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân làm dự án nhà ở xã hội tại đại bàn An Phú Tây, huyện Bình Chánh với 311 căn hộ.
Thực tế cho thấy, chương trình nhà ở xã hội được khởi động từ rất lâu nhưng đến nay đến không mang lại hiệu quả cao. Chính quyền địa phương mạnh tay đôn đốc, DN cứ thoái lui vì tỷ lệ lợi nhuận quá thấp. Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội, giá trị nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao ngất ngưởng khiến người thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở.
Bà Phạm Thanh Hiền, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng: Giá đất ở các thành phố lớn rất cao đẩy giá lên cao tương đương vì vậy người thu nhập thấp không mua được nhà. Quy định về mức thu nhập cũng như sự hạn chế trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đã không ủng hộ người thu nhập thấp. Do vậy, cần xác định trách nhiệm của nhà nước đối với nhà ở xã hội? Làm sao để người thu nhập thấp được mua nhà một cách dễ dàng hơn?
Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, ông Huỳnh Vũ Quốc Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho hay, nhà nước có tiền thì đã làm nhà ở cho người dân rồi nhưng vì ngân sách thiếu nên cần cộng đồng DN chia sẻ.
“Quỹ đất tại Hà Nội và TP HCM không còn nhiều mà muốn phát triển nhà ở phải có trường học, bệnh viện, hạ tầng gắn với nhà ở thương mại. Việc đề mục tiêu cùng hưởng thụ hạ tầng chung tránh sự phân biệt giàu nghèo. Tỉnh - thành nào thấy không bố trí được quỹ đất cho nhà ở xã hội phải báo cáo với Chính phủ và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Trọng Ninh- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh.
Giá đất ở các thành phố lớn rất cao đẩy giá lên cao tương đương vì vậy người thu nhập thấp không mua được nhà. Quy định về mức thu nhập cũng như sự hạn chế trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đã không ủng hộ người thu nhập thấp. Do vậy, cần xác định trách nhiệm của nhà nước đối với nhà ở xã hội? Làm sao để người thu nhập thấp được mua nhà một cách dễ dàng hơn?- Theo bà Phạm Thanh Hiền- đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM . |