Chuẩn bị tâm thế cho học sinh đến trường
"Chúng ta hình dung đi học cũng giống như chạy marathon. Lúc đầu phải bình tĩnh, sau rồi có sức lực thì chạy dài và chạy khỏe dần để cán đích cuối cùng chứ không phải ngay từ đầu đã tăng tốc lực, thì về sau này hết hơi không chạy được…", hứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói.
Ảnh minh họa.
Không còn bao lâu nữa là bước vào năm học mới. Thời điểm này, rất nhiều các phụ huynh đang cho con học thêm, hoặc “chạy đôn chạy đáo” để tìm trường tốt cho con. Với những ông bố, bà mẹ có con học đầu cấp thì niềm lo lắng ấy lại như càng nhân đôi. Trường tốt thì không phải gần nhà hay đúng tuyến nên mới xảy ra tình trạng các gia đình mất tiền chạy cho con suất học trái tuyến… Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, mỗi phụ huynh cần phải hợp tác tốt với nhà trường. Chủ động trong việc chuẩn bị cho học sinh tâm thế đến trường.
Không cần phải học trước lớp 1
Có con vừa học xong mẫu giáo, gia đình anh Nguyễn Văn Luyện (Hai Bà Trưng - HN) lo lắng không biết khi vào lớp 1 con có theo kịp các bạn cùng lớp không. “Hàng ngày buổi tối vẫn bắt con luyện viết chữ xong mới được xem phim hay chơi đồ chơi. Ngoài ra cũng cho con đi học thêm tại nhà của một cô giáo trong ngõ. Vẫn biết tuổi các con còn nhỏ nhưng bây giờ đứa nào cũng học trước. Con mình không học chỉ sợ lên lớp không theo kịp bạn bè…”, anh Luyện chia sẻ.
Biết được những tâm tư lo lắng của các phụ huynh trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Có nhiều tâm trạng của các phụ huynh học sinh (PHHS) khi mà đưa học sinh (HS) vào năm học mới. Trước hết là tâm trạng muốn cho HS, con em mình được học trước khi vào lớp 1. Điều này chủ yếu xảy ra ở các trường tiểu học thành phố.
Đầu tiên phải nói là chính những PHHS đã không ý thức rõ rằng tiểu học thì người ta dạy học từ đầu, từ những động tác đơn giản của việc ngồi, viết, đọc như thế nào, và mức chuẩn đặt ra đối với HS tiểu học cũng rất thấp. Qua kiểm tra đánh giá những năm vừa rồi, thấy rằng HS chúng ta đều đạt chuẩn rất cao.
Đối với môn Tiếng Việt, thì chương trình công nghệ tiếng Việt lớp 1 còn đạt mức cao hơn chuẩn bình thường đạt được. Đáng lưu ý là phương pháp này không yêu cầu HS phải học trước (và không học trước thì càng tốt). Học trước rồi, khi vào trường lại không được bằng chính những học sinh chưa học bao giờ. Cái này có tâm lý từ chính những PHHS ai cũng có tâm lý muốn cho con em mình học giỏi, thậm chí là học giỏi nhất nên cho con đi học trước.
Tuy nhiên, không phải tất cả các em học sinh đều được đi học trước. Một số em đi học trước, vào lớp thì các em khác cũng phải theo, tạo ra một tâm lý sính bệnh thành tích của các trường tiểu học. Giáo viên thấy có một số HS học trước rồi thì nâng yêu cầu của chuẩn lên, đạt quá mức yêu cầu so với bình thường, cho nên một số em phải vất vả theo.
“Chúng tôi rất muốn PHHS phải hiểu trước tiên, hơn nữa công tác quản lý của các nhà trường phải đảm bảo không đặt mức yêu cầu cao hơn mức bình thường, để cho PHHS yên tâm không phải học trước lớp 1”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
Học trái tuyến: Mong muốn chính đáng của phụ huynh?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nói thêm: Ở thành phố còn có hiện tượng chọn trường. Từ việc chọn trường này trường khác, sinh ra chuyện học trái tuyến. Rồi nhiều trường học sinh ít, nhưng có trường lại quá đông. Hiện tượng quá tải trong các nhà trường cũng là tình trạng không nên. Chúng tôi quan niệm rằng, việc học trái tuyến ở tiểu học không cần thiết. Tiểu học cần thiết nhất là các em HS thích học. Khi mà các em ham thích học thì các em sẽ học được, và sẽ có lực học lâu dài, chứ không phải nhồi nhét kiến thức cho HS ngay từ đầu sớm. Chúng ta hình dung đi học cũng giống như chạy marathon. Lúc đầu phải bình tĩnh, sau rồi có sức lực thì chạy dài và chạy khỏe dần để cán đích cuối cùng chứ không phải ngay từ đầu đã tăng tốc lực, thì về sau này hết hơi không chạy được…
Không thể phủ nhận việc các phụ huynh luôn muốn tìm trường tốt cho con em mình học. Đó xuất phát từ nguyện vọng để cho con có một tương lai tốt nhất, hoặc học ở một ngôi trường có đủ điều kiện vật chất cũng như giảng dạy tốt. Đặc biệt, với nhiều người, bỏ ra một khoản tiền “không quá lớn” mà con mình có được nơi học tập phù hợp thì cho rằng “hoàn toàn xứng đáng”. Chính tâm lý chung ấy đã gây nên những hiện tượng tiêu cực không đáng có ở trong các nhà trường.
Ở vấn đề này, PGS. TS Văn Như Cương mới đây chia sẻ: Có chuyện các phụ huynh phải lựa chọn trường cho con, vì khoảng cách giữa trường cùng một cấp, khoảng cách về dịch vụ giáo dục khác nhau. Từ sự khác nhau có khi là rất lớn đó mà các phụ huynh có tâm trạng gửi vào trường này thì tốt hơn, yên tâm hơn, từ đó sinh ra việc học trái trường. Nhưng ông cũng nói, việc này có mặt tốt là làm cho trường đó có thương hiệu, càng ngày càng cố gắng dạy dỗ tốt hơn. Những trường chưa tốt sẽ cố gắng hơn lên. Nghĩa là các trường cùng cấp sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên việc đó cũng cần được cân nhắc, điều tiết để không quá xáo trộn.
Với những câu chuyện năm nào cũng được đề cập đến như trên, lãnh đạo Bộ GD&DT bày tỏ mong muốn các bậc PHHS chủ động trong việc chuẩn bị cho HS tâm thế đến trường.
“Cũng nói lại HS lớp 1 tâm thế quan trọng là các em thích học, và các em bắt đầu có nền nếp hoạt động theo tập thể, chứ không phải là việc các em có thể biết đọc, biết viết trước. Mặt khác chúng ta cũng chuẩn bị về mặt điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện học tập cho các em một cách đầy đủ. Nhưng cũng tránh chạy theo một số mốt này mốt khác, đầu tư cùng nhà trường nhưng cũng lại tạo điều kiện cho nhà trường thu góp không đúng quy định. Việc này PHHS phải quản lý được. Tất nhiên chúng ta có những gia đình hoàn cảnh kinh tế khác nhau, có khả năng hỗ trợ cho nhà trường khác nhau. Cái đó hoàn toàn tự nguyện. Những quy định của Bộ đề ra rất rõ, PHHS phải chủ động, tránh gây ra điều không tốt để cho gia đình này phải theo gia đình khác”, ông Nguyễn Vinh Hiển nói.