Phát triển thủy sản: Nhiều địa phương lúng túng
Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã tạo đà cho phát triển thủy sản, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân và tái cơ cấu lại sản xuất nghề cá góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Sau một năm thực hiện, bên cạnh những kết quả bước đầu thì quá trình triển khai cũng đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Chưa nhiều ngư dân được vay vốn đóng tàu cá công suất lớn.
Hiện Chính phủ đã có dự thảo sửa đổi và bổ sung một số điểm mới để giải quyết khó khăn vướng mắc, tuy nhiên đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện và trên thực tế nhiều địa phương vẫn còn lung túng.
Theo số liệu thống kê của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam thì hiện nay cả nước có 25/28 tỉnh đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 (3 tỉnh chưa phê duyệt là TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Cà Mau). Số tàu đăng ký đóng mới là 764 chiếc chiếm 35% số tàu được phân bổ, trong đó tàu đóng mới là 674 chiếc, số tàu nâng cấp là 90 chiếc, đã có 20 tàu đã được hạ thủy (5 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ Composite, 13 tàu vỏ gỗ, 1 tàu nâng cấp máy).
Các tỉnh có tàu hạ thủy gồm: Nghệ An 5 chiếc, Quảng Bình 2 chiếc, TT Huế 2 chiếc, Quảng Ngãi 3 chiếc, Khánh Hòa, Bình Thuận 3 chiếc, Bà Rịa Vũng Tàu 1 chiếc, Bến Tre 1 chiếc.
Các ngân hàng thương mại tiếp cận được 205 bộ hồ sơ vay vốn của chủ tàu tại 18/24 tỉnh thành phố. Đã ký hợp đồng tín dụng 75 tàu ( đóng mới 70 tàu, nâng cấp 5 tàu) với tổng số tiền là 721 tỷ đồng và đã giải ngân 190 tỷ…Tuy nhiên, theo Trung ương Hội nghề cá bên cạnh những hiệu quả bước đầu thì trong quá trình triển khai đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc mà nhiều địa phương vẫn còn lúng túng như:
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ giao Bộ NN và PTNT thông báo quy hoạch để các địa phương thực hiện. Theo đó, 28 tỉnh, thành phố ven biển có 2079 tàu khai thác từ 400cv trở lên và 205 tàu dịch vụ.
Theo các địa phương thì quy định này chưa thực sự hợp lý bởi lẽ: trong quy hoạch chưa quy định số tàu khai thác xa bờ cho từng tỉnh là bao nhiêu, chưa xác định được bao nhiêu tàu từ 90-250cv, từ 250-400cv và bao nhiêu tàu trên 400cv cho từng vùng biển và từng loại nghề khai thác; mặt khác tàu khai thác xa bờ được hoạt động trên các ngư trường xa bờ cả nước vì vậy, địa phương nào có điều kiện vẫn có thể đóng mới tàu xa bờ ngoài số tàu được phân bổ theo Nghị định 67 và số đóng để thay thế các tàu cũ giải bản, (chưa có quy định cấm phát triển tàu cá đánh bắt xa bờ), miễn là tổng số tàu xa bờ của cả nước chưa vượt số tàu xa bờ trên 90cv theo quy hoạch, do vậy hằng năm Tổng cục Thủy sản- Bộ NN&PTNT phải tổng hợp được số tàu đóng mới trong năm để điều chỉnh kế hoạch đóng mới năm sau nếu không sẽ xảy ra tình trạng tỉnh được phân kế hoạch đóng mới nhiều cứ treo chỉ tiêu lại đó, tỉnh được phân chỉ tiêu kế hoạch ít thì không thể đóng được tàu do vậy làm chậm tiến độ đóng tàu xa bờ chung của cả nước.
Công tác điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản cũng là vấn đề cần bàn lại: Theo số liệu dự báo mới đây của Viện nghiên cứu Hải sản tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản biển Việt Nam là 4,25 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác là 1,75 triệu tấn; số liệu công bố năm 2005 trữ lượng là 5,1 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác là 2,2 triệu tấn; số liệu công bố năm 2000 trữ lượng 3,1 triệu tấn, khả năng khai thác là 1,4 triệu tấn. Trong đó, số liệu tổng kết năm 2014 sản lượng khai thác hải sản cả nước là 2,6 triệu tấn vượt khả năng nguồn lợi cho phép đánh bắt. Nếu căn cứ theo dự báo của viện nghiên cứu thì không còn khả năng nguồn lợi để đầu tư phát triển thêm đội tàu cá.
Một vấn đề được các tỉnh quan tâm là hiện nay các luồng lạch ở các cửa sông đều khá cạn. Do đó, việc phát triển các đội tàu đánh bắt công suất lớn nhất là tàu vỏ thép sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu không được quan tâm nạo vét luồng lạch ở các cửa sông. Việc đầu tư một đội tàu vỏ thép lớn cần có nhiều cơ sở dịch vụ sửa chữa để phục vụ kịp thời việc sửa chữa thường xuyên cho đội tàu nhưng hiện nay các cơ sở sửa chữa tàu vỏ thép quá ít và chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực phía Bắc. Trong khi số tàu vỏ thép được phân bổ đóng mới lại tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam do vậy cần có kế hoạch xây dựng các cơ sở dịch vụ sửa chữa tàu vỏ thép phục vụ cho các tàu khai thác hải sản một cách hợp lý.
Công tác đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu trên 400cv trở lên yêu cầu phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, hạng 3 trong lúc hiện nay hầu hết các thuyền trưởng, máy trưởng chỉ có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng không thể đáp ứng được yêu cầu cho việc phát triển đội tàu lớn và đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng ngư dân.
Đáng lưu ý, vướng mắt về thủ tục hành chính, trình tự, thủ tục hồ sơ. Đã có sự chỉ đạo của các ngành, các địa phương nên những phiền hà về thủ tục hành chính và các hồ sơ thủ tục đã có sự khắc phục, cải tiến tuy nhiên vẫn còn nhiều lúng túng về nhận thức và hiểu rõ các chính sách của ngư dân…