Trăn trở đưa tinh hoa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng
Lấy không gian đường phố làm sân khấu biểu diễn, từ nhiều tháng nay, các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Thao Giang phụ trách vẫn đều đặn đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô.
Nhạc sĩ Thao Giang.
Âm nhạc đường phố hút khách
Đến giờ, những buổi biểu diễn nghệ thuật trên phố của đoàn nghệ sĩ đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Thủ đô và du khách khi tới đây. Không ồn ào, bóng bẩy, cứ nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở của cuộc sống, các tiết mục biểu diễn đến với công chúng được đón nhận.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, yếu tố quan trọng được đoàn đặt ra là tính hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu đương đại và vẫn giữ được nét truyền thống. “Đừng tưởng âm nhạc dân gian mà “phịa” ra người ta thích. Đã có rất nhiều nhạc sĩ thử kết hợp hát văn với piano… nhưng thực chất không tạo được sức hút cho người nghe” - nhạc sĩ Thao Giang nói.
Các tiết mục biểu diễn, những loại hình nghệ thuật xuất hiện tại các đêm diễn đều thuần Việt hoàn toàn. Nhạc sĩ Thao Giang kể: Chúng tôi có một đội ngũ sưu tầm, một đội ngũ nghiên cứu để chọn lựa lại từ nhạc khí, tư liệu văn học… trước khi đem ra trình làng. Khi trình diễn cũng khá bất ngờ. Đối với công chúng yêu nghệ thuật truyền thống Thủ đô, loại hình nghệ thuật truyền thống như: xẩm, trống quân, quan họ, ca trù… đều được các nghệ sĩ tái hiện qua các buổi diễn. Không chỉ làm sống lại những ký ức đẹp về một Thăng Long hoài cổ, những loại hình nghệ thuật truyền thống còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, gợi về sự bình yên cho mỗi công chúng khi lắng nghe, cảm nhận.
Đây không phải lần đầu tiên Trung tâm quảng bá âm nhạc cổ truyền ở phố cổ, mà việc làm này đã bắt đầu từ năm 2005 đến nay. Hàng Buồm, Mã Mây, Đồng Xuân và phố Trần Bình, đó là những địa điểm quen thuộc diễn ra các hoạt động gần Mỹ Đình. Gần 10 năm trước, nếu như mỗi tuần chỉ có 1 buổi biểu diễn nhạc truyền thống ở khu vực phố cổ, thì nay, chương trình biểu diễn đã tăng lên 4 tối/1 tuần.
Chục năm nay, những nghệ sĩ trong đoàn diễn, hầu hết là các nghệ sĩ đã có tuổi vẫn miệt mài cống hiến cho những show diễn đường phố. Bản thân những nghệ sĩ cũng không đòi hỏi thù lao. Trung tâm chỉ trích nguồn kinh phí được tài trợ để hỗ trợ phần nào cho các nghệ sĩ.
“Họ chưa bỏ một buổi diểu diễn nào, trừ những ngày mưa hoặc bão. Những nghệ sĩ lớn tuổi đã truyền tình yêu âm nhạc sang các học viên trẻ tuổi” - nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ.
Cũng theo vị nhạc sĩ này tâm sự thì nếu chúng ta làm tốt thì cộng đồng sẽ đón nhận và nuôi dưỡng, còn nếu làm không đúng thì người ta sẽ loại bỏ. Chúng ta không thể tuyên truyền miệng rằng loại hình âm nhạc này quý lắm, bác học lắm… mà phải thực hành nó để cho cộng đồng thấy là nó thực sự quý…
Các nghệ sĩ Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn tại chợ Đồng Xuân.
Còn nhiều trăn trở
Kể về những ngày đầu thực hiện ý tưởng, nhạc sĩ Thao Giang cho biết, chưa nói đến việc công chúng đón nhận tới đâu, nhưng chính những người quản lý “giẫy nẩy” vì cho rằng chương trình sẽ không khả thi. Nhưng sau khi chương trình được duyệt thì người xem lại đến thưởng thức đông quá.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, đưa một loại hình nghệ thuật theo một thị hiếu thông thường đã khó, song để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng càng khó hơn. Do đó, khi nhận được sự đón nhận của công chúng, những nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều không giấu nổi niềm xúc động.
Theo nhạc sĩ, trong một chương trình biểu diễn, phải có phần giới thiệu sơ lược về các loại hình âm nhạc truyền thống cho khán giả biết. Phần này do các nghệ nhân cao tuổi đảm nhiệm, có tác dụng tương tác là khán giả nhiệt tình hỏi đáp, giao lưu. Đấy cũng là một cách rất tốt giúp người dân hiểu hơn về các loại hình âm nhạc truyền thống để cùng chung tay bảo tồn.
Rồi nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình cũng ngày một được trẻ hóa, các nghệ sĩ trẻ hát nhạc cổ truyền nhuần nhuyễn, rõ ràng khiến cho khán giả nhìn thấy được sự “tiếp lửa” của các thế hệ. Biểu diễn miễn phí nhưng lại phục vụ theo yêu cầu khán giả với những chuyên đề riêng về quan họ, xẩm, chèo, tuồng… đây chính là điểm độc đáo và níu châu du khách, người dân khi tới thưởng thức các buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Hiện nay, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của đơn vị là nhờ xã hội hóa mà có. Song chủ yếu vẫn là nguồn tài trợ của quận Hoàn Kiếm.
Trong câu chuyện, nhạc sĩ Thao Giang thêm một lần tự hào nữa bởi Trung tâm đã thành công khi kêu gọi xã hội hóa bảo tồn âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, vị nhạc sĩ không giấu tâm trạng nhiều trăn trở khi nhắc đến tương lai của hoạt động biểu diễn.
Bởi theo vị nhạc sĩ, chưa bao giờ, đoàn biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm nghĩ đến việc thu tiền bán vé, nhưng nguồn vồn được cấp từ UBND quận Hoàn Kiếm cũng không thể bền vững nên Trung tâm vẫn phải tìm mọi cách để có thể kêu gọi nguồn tài trợ từ cộng đồng. Điều khó khăn nhất mà Trung tâm gặp phải, đó là khi kêu gọi tài trợ của các doanh nghiệp, ông luôn gặp phải những câu hỏi: Chúng tôi muốn đầu tư, nhưng chúng tôi được gì? Thành phố sẽ hỗ trợ ra sao cho chúng tôi?...
Cùng với đó, theo nhạc sĩ Thao Giang đây cũng là những đòi hỏi chính đáng từ phía doanh nghiệp, họ làm kinh doanh, nên cũng phải tính đến hiệu quả, ít nhất là có được cơ chế thông thoáng giúp họ đầu tư dài hạn cho các chương trình biểu diễn như này với quy mô lớn hơn. Bởi theo ông Giang, đã từng có nhiều doanh nghiệp tài trợ cho chương trình, nhưng suốt một thời gian dài không được thành phố quan tâm hỗ trợ, giúp ổn định tâm lý nên cuối cùng họ phải từ chối tham gia.