Quảng Nam: Thêm 2 chị em bị đau cổ họng gần ổ dịch bạch hầu
Sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu ở xã Phước Lộc khiến người dân hết sức lo lắng, thì hiện nay đến người dân ở xã Phước Công, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam lại lo lắng vì tin đồn đoán ở xã có 2 bệnh nhân mắc “bệnh lạ” tương tự. Tuy nhiên ngành y tế khẳng định, 2 bệnh nhân này chỉ bị viêm amidan cấp, chứ không phải do virus bạch hầu.
Người dân lo lắng với căn bệnh do virus bạch hầu gây ra ở xã Phước Lộc
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, hai bệnh nhân là 2 chị em ruột Hồ Thị L. (SN 1997) và Hồ Thị L. (SN 2002) cùng ngụ thôn 2, xã Phước Công (gần xã Phước Lộc) nhập viện trong tình trạng bị đau ở cổ họng, giống như triệu chứng “bệnh lạ” đã cướp đi ít nhất 3 người tại xã Phước Lộc. Thậm chí có thông tin còn đồn đoán một trong hai em nói trên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus bạch hầu càng khiến cho người dân lo sợ.
Thế nhưng, sáng 21-7, ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, khẳng định: “Đúng là có 2 bệnh nhân đau cổ nhập viện. Nhưng hai bệnh nhân này chỉ bị viêm amidan cấp chứ không phải mắc bệnh do virus bạch hầu như đồn đoán. 2 bệnh nhân đến trung tâm khám bệnh và được các bác sĩ phát hiện cho nhập viện điều trị vào tuần trước, hiện sức khỏe đã ổn định nhưng chưa xuất viện. Do viêm amidan cấp nên không có lấy mẫu xét nghiệm. Những thông tin đồn đoán là không đúng sự thật”.
Ở vùng núi xa, đời sống người dân còn nghèo nàn lạc hâu, công tác tuyên truyền an dân là vấn đề cần chú trọng
Trước đó, như Đại Đoàn Kết đã thông tin, từ nửa cuối tháng 5 đến ngày 12-7, tại 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn có ít nhất 3 người chết với cùng triệu chứng đau ở cổ họng, 10 người khác cùng có triệu chứng trên được phát hiện và điều trị ổn định. Qua xét nghiệm 10 mẫu bệnh phẩm, có 2 ca dương tính với virus bạch hầu. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam công bố có ổ dịch bạch hầu tại địa phương trên và đã triển khai các biện pháp phòng chống và nêu quyết tâm không để dịch bùng phát.
Tuy nhiên ở một địa phương ở vùng núi cao đời sống còn lạc hậu, với 100% hộ nghèo. Do đó khi xuất hiện ổ dịch, hay những chứng bệnh tương tự người dân không khỏi lo sợ. Bởi vậy, ngoài công tác khám chữa bệnh, dập dịch thì vấn đề tuyên truyền để cho người dân an tâm sinh sống, khi có triệu chứng bệnh đến ngay Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế để được khám chữa bệnh thay vì nhờ thầy Mo cũng Giàng chữa bẹnh để rồi nhận lấy một kết cục đau lòng là một việc làm cũng cần hết sức quan trọng