Trò chuyện với người đưa cờ Việt Nam bay vào vũ trụ

Lục Bình (thực hiện) 22/07/2015 10:30

Nhân kỷ niệm 35 năm người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò truyện với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tướng Phạm Tuân, người 35 năm trước đã đưa lá cờ Việt Nam bay vào vũ trụ.

Trung tướng Phạm Tuân.

PV: Khi nói đến Phạm Tuân người ta thường nghĩ đến hai kỷ lục: là người bắn rơi máy bay B52 đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Ông có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi vinh dự trở thành người có những kỉ lục đáng nể đến vậy?

Trung tướng Phạm Tuân: Vì bắn hạ máy bay B52 tôi là người đầu tiên; hay người châu Á đầu tiên lên vũ trụ, tôi cũng là người đầu tiên. Nếu có ai bay nữa hoặc ai chiến đấu đi chăng nữa thì vẫn là người thứ hai chứ không phải là người đầu tiên. Tất nhiên là nói thế cho vui, vì tôi có thời cơ thì tôi bay lên vũ trụ thôi. Đó chỉ là đặt viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu, tuy nhiên lại có ý nghĩa lớn là thế giới biết rằng Việt Nam đã bay vào vũ trụ. Như vậy thể hiện chúng ta không chỉ có khả năng chiến đấu và chiến thắng quân thù, mà chúng ta làm được nhiều việc to lớn khác. Đối với tôi những kỉ niệm của cách đây tròn 35 năm vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức.

Nhắc đến chuyến bay lịch sử ấy không thể không kể đến Viktor Vassilyevich Gorbatko, rất nhiều người khâm phục tình bạn keo sơn giữa ông với người bạn “vũ trụ” ấy suốt 35 năm qua?

- Viktor Vassilyevich Gorbatko là người thầy, người anh lớn của tôi. Khi tôi sang Nga học và được lựa chọn là người châu Á đầu tiên cùng với người bạn Xô viết này bay vào vũ trụ đã phải trải qua rất nhiều cuộc sát hạch. Người ta phải kiểm tra xem có sự phù hợp, ăn ý hay không giữa hai người. Chẳng hạn như lái xe dưới mặt đất, khi gặp chướng ngại vật, cả hai sẽ xử lý tình huống thế nào? Nếu hai người tránh chướng ngại vật theo hai hướng khác nhau thì làm sao có thể xử lý tình huống xảy ra trong vũ trụ mênh mông!

Có lẽ chúng tôi có duyên tiền định, có sự ăn ý như chính tình cảm của hai dân tộc Nga - Việt trong suốt chiều dài lịch sử của hai nước. Đặc biệt, khi đặt chân vào vũ trụ, nơi chỉ có 2 con người với nhau, tình cảm gắn bó lại càng sâu sắc hơn. Chúng tôi phải dựa vào nhau mà sống mà đảm trách những nhiệm vụ đã được giao trước chuyến đi. Nhờ sự gắn bó ấy mà 35 năm qua chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Sáng 21 tháng 7, gia đình tôi đã dậy từ 4 giờ để 6 giờ sáng có mặt ở sân bay Nội Bài đón gia đình người bạn Xô viết ấy sang Việt Nam. Tôi cho rằng, sự gắn bó của cá nhân tôi với Gorbatko không phải là cá biệt. Rất nhiều người bạn Nga cũng có mặt trong chuyến bay ấy trở lại Việt Nam để thăm những người bạn thân của mình, điều này chứng tỏ tình cảm thân thiết, keo sơn của hai nước Việt - Nga.

Trở lại câu chuyện, ông đã mang theo gì khi vào vũ trụ và đã thu được gì từ chuyến bay này thưa ông?

- Khi bay vào vũ trụ, tôi mang theo bản Tuyên ngôn Độc lập, bản Di chúc của Bác Hồ, một nắm đất Ba Đình, một lá cờ Tổ quốc, hai Huy hiệu của Bác Hồ và ảnh của Bác. Tất cả những ảnh, cờ và sách đều được đóng dấu trong vũ trụ. Nắm đất Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác và ảnh của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đều thể hiện chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam đưa lên vũ trụ, đóng dấu ở trên vũ trụ cũng là khẳng định người Việt Nam sánh vai cùng với quốc tế và đã có mặt trên vũ trụ.

Còn tôi đã thu được gì từ chuyến đi ấy? Có thể chia sẻ thế này, khoảng thời gian rảnh rỗi trên Trạm Vũ trụ dù không nhiều, nhưng các phi hành gia phải tiến hành nghiên cứu khoa học quy mô ở ngoài không gian. Chúng tôi đã thực hiện các thí nghiệm trong tình trạng không trọng lực; quan sát bề mặt trái đất với các mũi đứt gãy để phán đoán vị trí các mỏ khoáng sản, quan sát hướng chảy của sông, vùng biển tập trung nhiều cá để hướng dẫn ngư dân, quan sát các hành tinh xa...

Bên cạnh những chương trình theo đề tài do các nhà khoa học Việt Nam chuẩn bị về sinh học và vật liệu học, chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt vào việc chụp ảnh lãnh thổ và sông ngòi, vùng biển của Việt Nam. Những tấm ảnh chụp thời điểm đó đã giúp ích nhiều cho các cán bộ lâm nghiệp của đất nước khi tìm hiểu quá trình hồi sinh những cánh rừng bị hủy diệt trong chiến tranh và giúp ngư dân xác định những khu vực đánh bắt hải sản nhiều tiềm năng…

Tôi cũng được biết, các dữ liệu ảnh vũ trụ cũng đã được sử dụng trong công trình xây dựng các nhà máy thủy điện Hòa Bình và Trị An, trong đề án chung của Công ty liên doanh Vietsovpetro thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đó là những thành tựu về kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây không phải là ý nghĩa chủ yếu của chuyến đi này. Ý nghĩa chính của chuyến đi ấy cơ bản là ý nghĩa chính trị, đó là Việt Nam dù là đất nước chịu nhiều thương đau trong chiến tranh, là đất nước nhỏ bé và nghèo khó nhưng đã chinh phục được các đỉnh cao, kể cả lĩnh vực khó nhất.

Điều mà nhiều người tỏ ra băn khoăn là đã 35 năm trôi qua rồi, Việt Nam vẫn chưa có người thứ hai bay vào vũ trụ, vì sao vậy thưa ông?

- Muốn tiến xa hơn đối với ngành công nghiệp vũ trụ thì phải chọn bước đi thật rõ ràng. Chúng ta chưa làm được nhiều điều vì nền tảng khoa học công nghệ của ta chưa đủ sức dù nhiều nhà khoa học của Việt Nam không thua kém ai. Phải đánh giá nền khoa học, công nghệ của chúng ta đang ở đâu, tiềm năng là gì và chọn hướng đi chiến lược thích hợp. Đặc biệt phải biết tận dụng những phát minh khoa học của nhân loại để ứng dụng vào cho ra sản phẩm của mình mới dần nâng tầm của mình lên mới có thành tựu trong tương lai được.

Thưa ông, cần làm gì để truyền tình yêu, cảm hứng cho giới trẻ để họ thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời trong tương lai?

- Tôi rất tin ở thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của Việt Nam luôn có trong mình ước mơ chinh phục bầu trời. Bằng chứng là mới đây, có một sự kiện đã được tổ chức để tuyển “người thứ hai” bay vào vũ trụ, đã thu hút cả nghìn bạn trẻ tham gia. Sự nhiệt tình, quyết tâm của các bạn trẻ để vượt qua các kỳ sát hạch đã nói tình yêu của họ với ngành khoa học vũ trụ. Tôi cho rằng, điều cần làm lúc này là cần khơi dậy tình yêu trong giới trẻ và biết cách tổ chức hợp lý mà thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

3 lần nhận danh hiệu Anh hùng

Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nhập ngũ, được tuyển vào Quân chủng Không quân năm 1965. Vào đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3/9/1973.

Phạm Tuân, cùng với nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23/7/1980 và trở về trái đất ngày 31/7. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác.

Năm 1980, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động kèm theo Huân chương Hồ Chí Minh.

Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lênin.

Lục Bình (thực hiện)