Tổng rà soát chính sách đối với người có công: Không được lãng quên
Những ngày tháng 7 này, chúng ta nhớ đến Quảng Trị - mảnh đất miền Trung nắng cháy, những nghĩa trang với bạt ngàn mộ liệt sỹ chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Nhưng không chỉ Quảng Trị, trên dải đất hình chữ S này nơi nào cũng có Nghĩa trang Liệt sỹ. Cho nên bỏ sót người có công với cách mạng tức là chúng ta - những người đang thừa hưởng hòa bình sẽ có tội với người đã nằm xuống, đã hy sinh xương máu cho sự bình yên hôm nay. Chính vì thế, việc tổng rà soát chính sách đối với người có côn
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo
Hội nghị trực tuyến sơ kết chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách
ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Hà Nội, tháng 3-2015.
2 triệu liệt sĩ đã hy sinh, nếu đứng theo chu vi bản đồ hình chữ S, cứ 7m lại có một liệt sĩ. Đó chính là bức tường liệt sĩ nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh lớn lao của các anh hùng vì nền hòa bình mà hôm nay chúng ta đang được thừa hưởng. Và còn đó những hy sinh lớn lao khác mà chúng ta chưa từng biết đến.
Còn nhớ, vào đúng dịp 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Quỹ Thiện tâm và báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc hành trình về với tỉnh Quảng Bình. Chính trên mảnh đất này, chúng tôi được gặp cựu binh Lê Hữu Trạc, người đã gần 1.000 ngày đêm cùng đồng đội bám trụ trong mưa bom bão đạn giữ đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị. Âm mưu của địch là chiếm đảo Cồn Cỏ để làm bàn đạp thâm nhập vào hậu phương miền Bắc. Vì vậy Cồn Cỏ trở thành mục tiêu hủy diệt.
Ngày ấy, Trung đội của cựu binh Lê Hữu Trạc chỉ 30 người, nhưng có ngày họ đã phải gánh chịu hàng chục tấn bom đạn của địch. Trong bom rơi, lửa đạn, Trung đội trưởng bộ binh Lê Hữu Trạc luôn động viên đồng đội: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”. Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy thì việc lựa chọn hy sinh như người chiến sĩ Lê Hữu Trạc và đồng đội của mình từng đối mặt - là một lựa chọn vinh quang.
Tinh thần bất khuất của Trung đội trưởng như tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Rất nhiều đồng đội của ông đã trở thành anh hùng, nhiều người đã nằm xuống, nhiều người để lại chiến trường một phần thân thể và ông cũng để lại nơi ấy đôi mắt của mình.
Trong những năm tháng khốc liệt ấy, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam như ông Lê Hữu Trạc đã ra chiến trường, hàng triệu người đã hy sinh. Có những người tuổi chưa tròn đôi mươi. Có người cái tên đồng đội chưa kịp nhớ. Nhưng có những hy sinh còn nhiều hơn thế, ở đó có nỗi đau của những người mẹ mất chồng, mất con. Ở đó là nỗi đau âm ỉ thời hậu chiến khi nhiều người, nhiều gia đình vẫn miệt mài trong cuộc hành trình tìm chân lý, gột rửa nỗi oan khiên của chính mình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.
Chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người. Nhưng phải sau hàng chục năm, lần đầu tiên việc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng mới được thực hiện.
Một người mẹ trước ngôi mộ con tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. (Ảnh: Việt Thanh).
Tổng rà soát chính sách cho người có công trong 2 năm 2014-2015 được xem là cuộc tổng rà soát đầu tiên kể từ năm 1954, có quy mô lớn nhất với sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể với Bộ LĐTB&XH cùng các bộ ngành, chắc chắn là việc làm tri ân vô cùng ý nghĩa đối với người có công. Tuy nhiên khó khăn là không thể tránh khỏi đối với một cuộc Tổng rà soát liên quan đến quá nhiều chính sách, nhiều đối tượng.
Nhưng không thể vì thế mà lùi bước. Như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng nói “Việc làm trước tiên của cuộc Tổng rà soát là không bỏ sót bất cứ người có công nào. Cuộc Tổng rà soát lần này, nếu sợ khó sẽ không bao giờ làm được. Thực tế đang đặt ra nhiều thách thức nhưng phải quyết tâm làm để trả lời dứt khoát với dân”.
Sự quyết tâm của người Mặt trận trong cuộc tổng rà soát này đã và đang mang lại những ý nghĩa vô cùng to lớn. Số liệu tổng hợp từ sau Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình đến ngày 24/6/2015 cho thấy, số người được hưởng đúng là 96,26%. Trong đó những trường hợp hưởng sai, hưởng chưa đầy đủ, chưa được hưởng… bắt đầu được các địa phương xem xét giải quyết như một nhiệm vụ tiên quyết cho công tác hậu rà soát. Như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong mỏi, trong giai đoạn 2 của chương trình: Tăng cường giám sát việc xử lý giải quyết tồn đọng. Đặc biệt, Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục tiếp nhận, lắng nghe thông tin, kiến nghị của người dân để có thông tin bổ sung về chương trình Tổng rà soát.
Với quyết tâm đó, theo Bộ phận thường trực Chương trình Tổng rà soát, cho đến nay, bộ phận này đã tiếp nhận được 367 đơn, thư có liên quan đến chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng tại 56 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Địa phương có nhiều đơn thư phản ánh nhất là thành phố Hà Nội 63 đơn, thư; TP Hồ Chí Minh 25 đơn, thư; Thái Bình 19 đơn thư; Nghệ An 15 đơn, thư… Bộ phận thường trực đã tham mưu với Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam ban hành 12 công văn chuyển 348 đơn thư của công dân về các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp giải quyết; ban hành 4 công văn đề nghị các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả xem xét, giải quyết đơn thư của công dân.
Qua những con số mới được thống kê từ cuộc tổng rà soát tại các tỉnh, thành cho thấy đợt Tổng rà soát đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt là tấm lòng của người Mặt trận.
Mặt trận và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo; thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp và Tổ rà soát tại cộng đồng dân cư theo đúng quy định từ tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc ghi phiếu, phân loại và tổng hợp đối tượng cụ thể, đảm bảo tính chính xác của công tác rà soát.
Nhưng cũng qua những con số ấy cho thấy, bên cạnh giá trị ưu việt của một chính sách thì vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát chưa thể bù đắp. Và chúng ta không được phép lãng quên.
Những đối tượng tồn đọng đề nghị xác nhận Theo bộ phận thường trực Chương trình Tổng rà soát chính sách cho người có công, hiện nay có nhiều đối tượng tồn đọng đang được đề nghị xác nhận. Trong đó Liệt sĩ: hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 943 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 772 trường hợp; Mẹ Việt Nam anh hùng: Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 387 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 268 trường hợp; Thương binh: hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 204 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 4.579 trường hợp; Người bị nhiễm chất độc hóa học: hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 1.415 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 6.324 trường hợp; Người có công giúp đỡ cách mạng: hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 367 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 1.974 trường hợp; Thanh niên xung phong: Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 1.174 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 1.933 trường hợp; Đối tượng khác: hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ: 177 trường hợp. Không đủ điều kiện, không có giấy tờ chứng minh: 1.052 trường hợp. |