Ngành chăn nuôi trước ngưỡng cửa hội nhập

Nhật Minh 22/07/2015 12:05

Dù có nhiều lợi thế, cơ cấu dân số, địa hình, truyền thống lâu năm… song ngành chăn nuôi của Việt Nam lại đang là ngành đáng lo nhất khi bước sâu vào hội nhập kinh tế thế giới. Theo nhiều chuyên gia, thời điểm AEC và đặc biệt TPP có hiệu lực, ngành chăn nuôi thực sự đối diện với những áp lực lớn.

Thịt nội khó cạnh tranh về giá

Phát triển theo hình thức sản xuất nông hộ, manh mún, bị động… đang là những điểm yếu khiến ngành chăn nuôi của Việt Nam trở nên “choáng váng” khi chứng kiến hàng loạt các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đang tràn vào. Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khi hội nhập, chăn nuôi sẽ là ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất.

Ngay ở thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đang chứng kiến thịt ngoại ồ ạt xâm lấn với giá vô cùng rẻ. 20.000 – 25.000 đồng/kg thịt đùi gà nhập từ Mỹ. Thịt bò nhập từ Úc và Mỹ cũng có giá cạnh tranh hơn hẳn khi chỉ xoay quanh mức 100-110.000 đồng/kg, trong khi giá thịt bò nội lên tới 150 -160.000 đồng/kg. Với mức giá nói trên, có thể khẳng định, thịt nội đang bị thịt ngoại chèn ép và nguy cơ này càng lớn hơn khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Còn nhớ tại một hội nghị liên bàn về hướng đi cho ngành chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập được tổ chức mới đây, TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam đã thẳng thắn nêu quan điểm: Manh mún, tự phát, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cao… là những nguyên nhân dẫn đến năng suất vật nuôi thấp, giá thành cao. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nay, nguyên liệu ngành chăn nuôi phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu đang là nguyên nhân đẩy giá thành sản phẩm vật nuôi lên cao.

Vấn đề này cũng đã được bàn luận nhiều và được đưa ra mổ xẻ trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn còn nhiều ẩn số. Với việc nhập tới 70% nguyên phụ liệu, sản phẩm chăn nuôi của bà con nông dân Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn những chi phí đầu vào.

Theo ông Lại Văn Minh (Tam Dương, Vĩnh Phúc), chi phí để nuôi đàn gà với 1.000 con gà thịt, riêng tiền mua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng chiếm đến 60 – 70% giá thành vật nuôi. Bởi vậy, giá gà thịt hiện nay của nông dân bán ra luôn bị cao hơn giá gà nhập ngoại.

“Thử hỏi, giá gà nhập ngoại trên thị trường hiện nay trung bình cứ 25.000 -30.000 đồng/kg, trong khi nếu tính tất cả chi phí đầu vào, giá 1 kg gà trong nước ít nhất cũng phải 60.000 – 70.000 đồng mới có lãi, thì làm sao sản phẩm của nông dân chúng tôi có thể cạnh tranh được với giá thị trường hiện nay?” - ông Minh chia sẻ.

Với việc nhập tới 70% nguyên phụ liệu, sản phẩm chăn nuôi của nông dân
đang phải chịu áp lực rất lớn (Ảnh: Trần Việt).

Gỡ khó cách nào?

Nghịch lý lâu nay, Việt Nam có tới 70% số dân làm nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp cũng là thế mạnh của Việt Nam, song, các sản phẩm như ngô, đậu tương – nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập từ nước ngoài một lượng rất lớn. Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, nếu chúng ta không chủ động được đầu vào thức ăn chăn nuôi, thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế tài chính) cho rằng, trong khi lúa gạo Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để xuất khẩu thì hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 4 - 5 triệu tấn ngô hạt và gần 2 triệu tấn đậu tương để làm thức ăn chăn nuôi (năm 2014, nhập khẩu ngô về Việt Nam đạt 4,795 triệu tấn, trị giá 1,224 tỷ USD, tăng 119,05% về lượng và tăng 81,4% về trị giá so với năm 2013). Theo vị chuyên gia này, thời gian qua, cây ngô vẫn luôn bị xem là cây trồng thay thế cho các cây trồng khác ở mùa vụ và vùng đất khô hạn khó tưới… Bởi vậy, năng suất ngô ở Việt Nam thường chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha (chưa bằng 50% so với năng suất ngô bình quân của thế giới)…

Tương tự, với cây đậu tương, dường như nhà nước vẫn chưa coi trọng loại cây này. Điều này được minh chứng ở thực tế: Mặc dù chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì thời gian qua, sản lượng đậu tương ở trong nước lại có xu hướng giảm. “Điều này cho thấy hiện nay ở Việt Nam chưa đánh giá đúng vai trò của cây đậu tương, khiến cho cây đậu tương chưa được chú trọng phát triến xứng với vị thế của nó” – vị chuyên gia này cho hay.

Với một đất nước có những lợi thế về nông nghiệp mà hàng năm vẫn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để nhập khẩu các sản phẩm ngô, đậu tương để phục vụ cho ngành chăn nuôi, theo các chuyên gia, đây thực sự là nghịch lý cần phải giải tỏa. Trước thực trạng này, theo ông Phạm Minh Thụy, Nhà nước cần sớm có quy hoạch vùng sản xuất ngô; tăng nhanh diện tích trồng ngô cũng như đánh giá đúng vai trò của cây đậu tương đối với sản xuất trong nước.

Có lẽ, chỉ khi bài toán nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi có lời giải hữu hiệu, gánh nặng chi phí đầu vào trên vai người nông dân mới được giảm nhẹ. Khi đó, giá cả sản phẩm vật nuôi sẽ cạnh tranh hơn, ngành chăn nuôi mới có cơ hội bứt phá.

Nhật Minh