Đảm bảo an toàn cho tàu cá, ao bè nuôi thủy sản

Thành Công 21/07/2015 23:19

Nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi có thiên tai xảy ra, các tàu cá, bè cá dọc sông Tiền phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo các phương tiện luôn ở trạng thái an toàn và đáp ứng đầy đủ các điều kiện khác theo quy định; còn cơ sở nuôi thủy sản phải thực hiện các biện pháp gia cố bờ bao quanh các ao nuôi thật chắc chắn.

Trên sông Tiền.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, đối với tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng, bắt buộc mỗi tàu có 2 phao tròn, phao áo theo số lao động đi trên tàu, các bơm cứu đắm và các đèn hàng hải, radio thu được Đài Tiếng nói Việt Nam, thiết bị thông tin liên lạc. Tàu đánh bắt vùng khơi bắt buộc trang mỗi tàu 4 phao tròn, mỗi người một phao áo và khi hoạt động tuyến khơi lớn hơn 24 hải lý đều phải trang bị dụng cụ nổi đủ với số lượng thủy thủ đi trên tàu, các trang bị khác như radio nghe dự báo thời tiết, la bàn, máy bộ đàm tầm ngắn và máy bộ đàm tầm xa.

Chủ tàu có trách nhiệm đảm bảo tàu cá luôn ở trạng thái an toàn, đồng thời trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người và tàu cá theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; ký kết hợp đồng lao động với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá (gọi chung là thuyền viên) theo quy định của pháp luật; thường xuyên nắm số lượng thuyền viên, vùng biển hoạt động của tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý thủy sản địa phương, đồn, trạm Biên Phòng nơi tàu sẽ hoạt động chủ yếu; sẵn sàng cho tàu cá đi làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão và tiềm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

Đối với các tàu khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu cá phải mua bảo hiểm tai tạn thuyền viên, lắp máy thông tin liên lạc tầm xa và liên lạc với đất liền, thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản nơi đăng ký tàu cá, các đồn, trạm Biên Phòng về tần số liên lạc của tàu; đôn đốc thuyền trưởng trước khi rời bến phải kiểm tra trạng thái an toàn của tàu, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo khi ra vào cảng, bến đậu; tổ chức bồi dưỡng, phổ biến kiến thức nghiệp vụ đảm bảo an toàn cho thuyền viên, đồng thời tổ chức sản xuất theo tổ, đội để hỗ trợ, cứu giúp lẫn nhau khi hoạt động trên biển.

Thuyền trưởng hoặc người lái tàu có trách nhiệm thường xuyên phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc thuyền viên thực hiện các quy định về an toàn khi làm việc trên tàu cá, phân công nhiệm vụ và tổ chức cho thuyền viên thực tập các phương án đảm bảo an toàn; kiểm tra thuyền viên và tàu cá về trang thiết bị hàng hải, trang bị an toàn, các giấy tờ của tàu cá và thuyền viên trước khi rời bến; khi ra, vào cảng, bến đậu phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo. Trong trường hợp có bão, lũ, áp thấp nhiệt đới thuyền trưởng hoặc người lái tàu phải có trách nhiệm đôn đốc thuyền viên trực tàu và sẵn sàng điều động tàu ứng phó với bão, lũ, áp thấp nhiệt đới và hỗ trợ các tàu cá khác khi có tai nạn xảy ra.

Đối với thuyền viên, phải chấp hành các quy định về an toàn cho người và tàu cá, tuân thủ mệnh lệnh của thuyền trưởng và các quy định khác của pháp luật. Khi phát hiện tai nạn xảy ra trên tàu cá của mình hoặc trên các tàu cá khác, phải báo cáo ngay cho thuyền trưởng, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động. Thuyền viên có quyền từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu cá đó không đủ đảm bảo an toàn.

Các chủ khu nuôi thủy sản ven biển, lồng bè cá trên sông Tiền có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong nuôi thủy sản; kiểm tra, gia cố bờ bao quanh các đầm nuôi thật chắc chắn đề phòng sóng đánh, mưa lớn gây sạt lở thất thoát thủy sản nuôi; kiểm tra, gia cố việc chằng buộc neo bè thật chắc chắn để đề phòng đứt dây neo; trang bị đầy đủ các phương tiện cứu sinh trên bè (phao cứu sinh hoặc dụng cụ nổi); chuẩn bị phương tiện sẵn sàng sơ tán người lên bờ từ bè cá khi có yêu cầu của cơ quan chức năng; thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo, thông báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thành Công