Xây bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn
Sau khi nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT&DL về xây dựng Bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Dinh Độc Lập, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ.
Nhóm chiến sĩ biệt động chiếm giữ Trung tâm Điện toán Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa sáng 30-4-1975/
Theo UBND TP HCM, về ý kiến của Bộ Xây dựng liên quan đến vị trí đặt bia tưởng niệm là nơi diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ Đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tấn công vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Đối diện bên kia đường là miếu thờ do người dân tự xây dựng. Về vị trí xây dựng, đã có sự thống nhất giữa các Sở ngành, Hội Kiến trúc sư TP, Hội Mỹ thuật TP, UBND Q.1 và CLB truyền thống kháng chiến TP.
Đối với phương án kiến trúc - mỹ thuật, UBND TP cho biết, đã giao Sở Văn hóa và Thể thao TP tham mưu nhiều phương án để chọn 1 phương án tối ưu nhất, trong đó xác định bia phải tương quan với kích cỡ các bia đã dựng trước đây (tại Đài Tiếng nói nhân dân TP - VOH và trước Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ) vì cùng tính chất của sự kiện lịch sử cách mạng, sự hy sinh khi tấn công vào các địa chỉ đầu não của địch.
Phương án thiết kế Bia tưởng niệm có hình tượng đốt tre. Hình thức kiến trúc bia tưởng niệm có hình tượng lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc, ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, giải phóng dân tộc…; hình tượng đốt tre thể hiện nét đặc trưng kiến trúc của Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống nhất) nơi sự kiện lịch sử diễn ra.
Theo đó, kích thước bia sẽ có chiều ngang 2,7m, chiều sâu 1,17m, chiều cao 4,5m, gồm 3 bục, chất liệu bằng đá granit nguyên khối, có khắc chữ và lư hương bằng đá granit.