Chọn trường - một câu hỏi đang nóng
Giữa những ngày đang công bố kết quả của kỳ thi Quốc gia, câu hỏi chọn trường nào để học? học ra để làm gì? lại đang được đặt ra.
Nguồn: cand.com.vn
Học vì đam mê
Lại Hồng Vy- một thành viên của nhóm Chuyện của nghề chia sẻ câu chuyện của chính bản thân cô. Khi chuẩn bị thi vào học ĐH, Vy có 2 lựa chọn vì bố me muốn cô học Đông phương học còn mình lại thích Công tác xã hội. Sau đó, Vy đã thi và học ngành Đông phương học theo ý muốn của bố mẹ. Sau khi học, Vy đã nhận thấy mình không hề phù hợp với ngành học này.
Học đến năm thứ 3, luôn trong tình trạng “ngập đầu” với các tiểu luận nghĩ tại sao mình lại dành nhiều thời gian cho ngành học mình không yêu thích. Thế nên, để theo đuổi đam mê công tác xã hội Vy đã tích cực tham gia các hoạt động thanh niên tình nguyện của trường. Cô thường tham gia đi phát quà cho các em nhỏ, làm việc giúp người dân vùng cao.
Tuy nhiên, Vy nhận thấy công việc tình nguyện này không mang lại lợi ích gì cho người dân cả. Bởi năm sau khi đoàn tình nguyện quay lại nơi này thấy họ vẫn thấy những em bé đó vẫn buồn, người dân vẫn nghèo. Thậm chí, có nơi khi đoàn tình nguyện đến dạy học cho trẻ em, người dân đã bảo chúng tôi lần sau không cần đến nữa vì không giải quyết được gì cho họ đâu. Vấn đề của họ là cần người làm việc để có cơm ăn chứ họ không cần cái chữ…
Do đó, Vy đã đặt ra một câu hỏi mình đam mê tình nguyện vậy làm thế nào để giúp được cho mọi người. Từ đó, cô đã chuyển sang làm tình nguyện giúp về việc chuyên môn. Đó là đóng góp kĩ năng cho các tổ chức tình nguyện. Vy tự thấy mình “nghiện” facebook nên cô đã nghĩ sẽ biến việc nghiện facebook thành công việc tình nguyện của mình. Vì thế, Vy đã xin làm quản lý fanpage cho một tổ chức tình nguyện.
Ra trường, Vy làm truyền thông ở TP.HCM một năm. Mặc dù, rất yêu thích công việc đó nhưng Vy đã nghỉ việc vì phát hiện ra mình còn có những niềm đam mê khác nữa. Sau đó, Vy đã ra Hà Nội làm Dự án Chuyện của nghề. Cô cho biết, Dự án cũng là cơ hội để cô được học hỏi thêm những kiến thức trong cuộc sống. Trong chuyện của nghề, cô đã phỏng vấn một bác mài dao để biết được quá trình mài dao của bác như thế nào, nói chuyện với 1 bác nông dân về quy trình sản xuất nông nghiệp trong tự nhiên ra sao…? Qua những việc đó, Vy học và biết được thêm rất nhiều điều khác nhau.
“Tôi nhận ra, mình có cả cuộc đời để học, thời gian học trong trường chỉ là một phần của việc học mà thôi. Hơn nữa, việc học không thể là một công thức, học là tự bản thân mỗi người muốn” – Vy tâm sự.
Học là hưởng thụ
Đối với Đỗ Hoàng Long (Cựu Đại sứ truyền thông trường Chuyên HN -Amstecdam) hiện là du học sinh tại Nga chia sẻ, từ nhỏ Long được học khoảng 10 môn thể thao, nhạc, vẽ… Nhưng mẹ của Long cũng không hề tham vọng con mình sau nàycó thể trở thành ca sĩ, họa sĩ… Vì không biết mình học để làm gì nên, khi thấy mình hát hay, năm học lớp 8 Long đã rất ngây thơ nói với mẹ “cho con học Toán đi sau này con sẽ đi thi Sao mai Điểm hẹn…”.
Khi học cấp 2, Long đã từng đi thi môn sử và được giải cấp quận. Nhưng do học để đi thi nên Long khi thi xong thì cũng quên luôn những kiến thức lịch sử đó. Do đó, khi sang Nga du học, để học lịch sử nước này không trong tình trạng học xong quên luôn Long đã phải tích cực hỏi, trao đổi kiến thức với giáo viên. Sau đó, dùng những kiến thức này để trao đổi với bạn bè bên ngoài, dần dần những kiến thức trở thành kiến thức sống. “Vì vậy mà bây giờ tôi thấy mình còn hiểu lịch sử Nga hơn Việt Nam”, Long thú nhận.
Cũng chính vì vậy, Long nhận thấy thái độ với cách học như thế nào rất quan trọng. Nếu chỉ học theo kiểu đọc chép thì ngay khi thi xong nhiều người sẽ quên hết kiến thức. Bởi nếu không thực sự học, tận hưởng nó thì những kiến thức trong đầu sẽ trôi qua rất nhanh. Việc chuyển từ học bị động sang chủ động nó sẽ cho ta tận hưởng kiến thức đó. Bởi khi việc học là tận hưởng, tiếp nhận kiến thức mới sẽ tạo cho mình cảm giác đam mê hơn với nó, mang lại hiệu quả cao hơn.