BRICS khởi động dự án ngân hàng mới ở Trung Quốc
Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS đã bắt đầu đi vào hoạt động tại thành phố Thượng Hải của Trung Quốc và sẽ tìm cách triển khai nguồn vốn ban đầu 50 tỷ USD của mình cho các dự án phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng.
Giới lãnh đạo BRICS trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Ufa, Nga hồi đầu tháng 7.
Nguồn: RT
Tại buổi lễ khai trương, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Kế Vĩ đã chỉ ra rằng NDB sẽ đóng vai trò như một phần bổ sung cho hệ thống tài chính quốc tế hiện hành và sẽ tập trung nỗ lực vào việc quản lý và đổi mới.
Dự án thành lập NDB trước đó được ký kết bởi các nước thành viên BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – nhân một hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Fortaleza, Brazil vào tháng Bảy năm ngoái. Mục đích chính của thể chế tài chính này là thúc đẩy phát triển bền vững ở các nước thành viên trong khối.
Mỗi thành viên của BRICS dự kiến sẽ đóng góp đồng đều vào nguồn vốn ban đầu của NDB, trị giá 50 tỷ USD, và đặt mục tiêu sẽ tăng nguồn vốn lên tới 100 tỷ USD. Bên cạnh việc thành lập NDB, BRICS còn thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ trị giá 100 tỷ USD.
Nguồn quỹ dự trữ của NDB, còn gọi là Quỹ dự phòng chung (CRA), được thành lập để hỗ trợ các nước thành viên trong thời điểm khủng hoảng thanh khoản tiền tệ. Brazil, Ấn Độ và Nga sẽ đóng góp mỗi nước 18 tỷ USD cho CRA, Nam Phi đóng 5 tỷ USD và Trung Quốc đóng phần lớn, 41 tỷ USD.
Hai dự án đầy tham vọng của BRICS từng được giới chuyên gia đánh giá là có thể đối trọng được với các thể chế tài chính thống trị mà Mỹ và phương Tây đang nắm quyền như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). BRICS hiện chiếm 42% dân số và 20% GDP của toàn thế giới. Tổng kim ngạch thương mại giữa các nước trong khối hiện đạt 6,14 nghìn tỷ USD.