Công khai để tạo sự đồng thuận

Văn Nhất 23/07/2015 09:05

Nhằm đánh giá đúng thực trạng vai trò chủ thể của nhân dân trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với nội dung trọng tâm là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”, vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành giám sát tại 6 xã trong tỉnh. Quá trình giám sát cho thấy, ở nơi nào nêu cao sự công khai nơi đó sẽ tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.

Đoàn giám sát làm việc tại xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước).

Chuyến giám sát được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận tiến hành thực hiện tại 6 xã: Phước Hậu, (huyện Ninh Phước); Phước Ninh, (huyện Thuận Nam); Phước Chính, (huyện Bác Ái); Tân Hải, (huyện Ninh Hải); Lợi Hải, (huyện Thuận Bắc) và xã Mỹ Sơn, (huyện Ninh Sơn).

Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát đã tìm hiểu thực tế; lắng nghe những ý kiến nhận xét về kết quả, hạn chế; trao đổi với nhân dân và những người có uy tín, người cao tuổi, các vị chức sắc các tôn giáo về những cách làm hay tại địa phương, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội.

Thực tế cho thấy, trước khi thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã đều trao đổi trong Ban chỉ đạo, các ban, ngành, các thôn và có các hình thức công khai trong nhân dân. Các tiêu chí thực hiện theo chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tham gia đóng góp”, các xã đều đưa ra lấy ý kiến nhân dân, trong đó có sự tham gia tích cực của Mặt trận, các đoàn thể, các chức việc trong tôn giáo như công tác Quy hoạch; giao thông; chợ; nhà ở; an ninh trật tự xã hội... được các xã Phước Hậu, Tân Hải, Phước Ninh thực hiện khá tốt. Nhờ vậy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các xã đã triển khai tương đối tốt một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới, huy động được sự đóng góp của nhân dân và chưa có hiện tượng tiêu cực xảy ra.

Ông Phan Hữu Đức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận cho rằng, qua đợt giám sát, Đoàn nhận thấy do quá trình quán triệt triển khai chưa sâu kỹ nên một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thật đầy đủ, nhìn chung còn tư tưởng nóng vội, chạy theo mục tiêu mà ít chú ý đến tính thực chất và sự phát triển bền vững của Chương trình. Một số xã còn trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Mặt khác, việc công khai nội dung, kế hoạch xây dựng nông thôn mới để nhân dân biết còn ít và mang tính hình thức làm ảnh hưởng đến sức lan tỏa của Chương trình.

Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà các xã đạt được, phần lớn là do được Nhà nước đầu tư hoặc đã có sẵn từ trước như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; hệ thống điện; Bưu điện; Hình thức tổ chức sản xuất; Thủy lợi và Giáo dục. Còn lại, các tiêu chí nhà nước chưa đầu tư, hoặc các nội dung cần có sự tham gia đóng góp của nhân dân thì đạt thấp.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận cho rằng, các xã cần làm tốt hơn nữa việc hướng dẫn cụ thể nội dung để nhân dân tham gia, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức trong nhân dân, giúp dân thấy được xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của mình, do nhân dân tự giác tham gia xây dựng và hưởng lợi từ những thành quả do mình làm ra.

“Các xã cần chủ động hơn nữa trong việc công khai và đưa ra lấy ý kiến bàn bạc, góp ý của người dân, nhất là công tác triển khai thực hiện cụ thể, chi tiết các quy hoạch; việc xây dựng cơ sở hạ tầng có sự hiến đất, đóng góp kinh phí, công lao động... của người dân, kể cả công trình có vốn đầu tư của nhà nước. Trong quá trình đó, cần tranh thủ ý kiến của những người có kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng, về quản lý kinh tế đang sinh sống tại cộng đồng; phát huy vai trò của đảng viên, Ban công tác Mặt trận, người có uy tín, các cụ cao tuổi, chức sắc các tôn giáo, các vị trưởng tộc, dòng họ... nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội” - ông Phan Hữu Đức khẳng định.

Văn Nhất