“Sân chơi” các Tập đoàn đa quốc gia: Ít cơ hội cho doanh nghiệp Việt?
Gần đây, tại buổi đối thoại với Samsung - một doanh nghiệp FDI đầu tư lớn tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công thương đã nêu lên thực tế: Số lượng DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho tập đoàn này còn thấp, đồng thời cũng thừa nhận: các DN Việt Nam mới chỉ tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế...
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chí của các doanh nghiệp FDI. (Ảnh TL).
DN Việt chưa được tạo cơ hội
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít DN Việt cho rằng, năng lực sản xuất của họ hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia, vấn đề là, họ có cơ hội hay không (!)
Chia sẻ với PV, ông Hồ Viết Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu Việt Nam cho biết, không phải các DN trong nước không có đủ năng lực, trình độ để có thể đáp ứng vào chuỗi cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà như một số DN cho rằng, DN Việt còn không sản xuất nổi cái bu - lông, ốc vít.
Theo ông Tâm, thực tế, nhiều DN thuộc ngành công nghiệp phụ trợ đã sản xuất ra được những thiết bị, máy móc hoàn toàn có thể đáp ứng được tiêu chí của các DN FDI. Song, vấn đề là, các DN FDI có cho DN Việt cơ hội để có thể bước chân được vào chuỗi cung ứng đó hay không.
“Các DN Việt đã và đang rất nỗ lực để có thể nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, đừng nói cái ốc vít, cái bu - lông… mà hiện nay, DN Việt có thể làm ra được những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao hơn nhiều. Chỉ có điều, chúng tôi chưa được các DN FDI mở rộng cửa để có thể bước chân vào chuỗi sản xuất của họ. Nên việc không sử dụng các DN trong nước, không hẳn do năng lực của chúng tôi yếu” – ông Tâm nêu quan điểm.
Còn theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất đồ nhựa, không hoàn toàn do DN Việt yếu, không có khả năng, song thực tế, nhiều DN chưa quan tâm đến việc tìm hiểu để sản xuất đáp ứng những yêu cầu từ phía các DN nước ngoài. Đơn cử như việc sản xuất ra một chiếc điện thoại, yêu cầu về tiêu chuẩn, đồng bộ các thiết bị của các đối tác cung cấp sản phẩm là yêu cầu được đặt ra đầu tiên. Bởi thế nên, nếu các DN Việt muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của họ, nên tìm hiểu về những yêu cầu đó chứ không phải cung ứng những sản phẩm mà chúng ta có.
Những phản ứng của DN trong nước trước vấn đề các tập đoàn đa quốc gia chưa sử dụng họ mặc dù năng lực sản xuất của họ không hề yếu, là điều dễ hiểu. Bởi, thực tế, hiện nay, số DN trong nước thuộc ngành công nghệ phụ trợ có sản phẩm xuất sang nhiều nước trên thế giới không phải là ít. Điều này cho thấy, các sản phẩm sản xuất trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu của thế giới. Song, nhiều DN lại chưa được tạo điều kiện, cơ hội để bước chân vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia khi vào đầu tư tại Việt Nam.
Công nhân Việt Nam làm việc trong một DN FDI tại Hà Nam.
Làm sao để có đủ lực?
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chuyên gia tư vấn cấp cao (Công ty TNHH Kinh doanh Hội nhập toàn cầu), vẫn cần thừa nhận một thực tế, đó là trình độ, năng lực sản xuất các sản phẩm, thiết bị, máy móc có hàm lượng công nghệ cao của các DN Việt chưa đủ để đáp ứng được các yêu cầu của các Tập đoàn, DN FDI lớn. Như việc sản xuất ra một chiếc điện thoại, các linh kiện, thiết bị máy móc đòi hỏi độ tinh vi từng chi tiết, công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất đồng bộ. Điều này đúng là nhiều DN trong nước chưa thể đáp ứng được. Song, khi được hỏi, nhiều DN trong nước cũng đã rất nỗ lực trong việc đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đáp ứng yêu cầu về công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại từ phía đối tác lại không nhận được sự tin tưởng của đối tác.
“Điều này là có” - TS Phan Hữu Thắng khẳng định.
Câu chuyện này vẫn luôn có hai khía cạnh: Bản thân năng lực của DN Việt vẫn yếu, nhưng nền kinh tế ngày càng phát triển, cộng đồng DN Việt cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, máy móc thiết bị để đáp ứng với xu thế toàn cầu hóa. Bởi vậy, nói năng lực Việt yếu và không thể đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, DN FDI lớn là không hoàn toàn đúng.
Ông Thắng cũng cho rằng, hiện nay có thực tế là, các DN FDI vào Việt Nam đầu tư nhưng chưa quan tâm, chú trọng đến việc hỗ trợ các DN Việt Nam trong việc đầu tư về vốn cũng như nguồn nhân lực để giúp các DN Việt nâng cao năng lực cũng như gia tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật cao trong công nghệ sản xuất của các DN Việt. Điều này cũng dẫn đến những hạn chế của các DN trong nước đối với việc đáp ứng yêu cầu sản xuất của DN FDI. Ngoài ra, với quy mô sản xuất của cộng đồng DN Việt hiện nay, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, các DN Việt của chúng ta không thể có đủ lực để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Ví dụ, sản xuất linh phụ kiện điện tử chẳng hạn, rất cần thiết bị công nghệ hàm lượng công nghệ cao, do đó yêu cầu nguồn vốn phải lớn. DN Việt chủ yếu vốn nhỏ nhưng nhiều DN có vốn nhỏ cộng lại sẽ có nguồn vốn lớn.
“Phải có sự liên kết giữa các DN nhỏ để tạo thành DN quy mô lớn, cùng làm và chia sẻ mới có thể bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách tự tin” – TS Thắng nêu quan điểm.
Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Theo giới chuyên gia kinh tế, đây chính là điều kiện để DN Việt có thêm lực đẩy đầu tư trí lực, vật lực tham gia vào sân chơi lớn - chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu hiện nay.