Xây dựng mô hình phòng chống tội phạm ở vùng biên giới
Ngày 23/7, tại TP Tân An, tỉnh Long An, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ đã khai mạc Hội nghị tập huấn “Trao đổi công tác phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh biên giới quốc gia” dành cho sỹ quan, chiến sỹ BĐBP, Công an, cán bộ Mặt trận đang hoạt động trong khu vực biên giới thuộc 13 tỉnh từ Thừa Thiên-Huế, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước cho tới Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp...
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam - Phó Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) và Thiếu tướng Võ Văn Lẹ, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Khó ngăn chặn và quản lý
Cả nước hiện nay có khoảng 3.263km đường biên giới với 2.345 cột mốc quốc giới phân chia lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực cả trên cạn và trên biển. Với khoảng 1,9 triệu hộ dân biên giới gồm 49 thành phần dân tộc, có 6 tôn giáo lớn, các vấn đề an sinh xã hội, kinh tế vùng biên giới vẫn tồn tại nhiều khó khăn, dễ nảy sinh các mâu thuẫn, dẫn tới những biến động khó lường. |
Thông tin tại Hội nghị, Thiếu tướng Võ Văn Lẹ cho biết, cả nước hiện nay có khoảng 3.263km đường biên giới với 2.345 cột mốc quốc giới phân chia lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực cả trên cạn và trên biển. Với khoảng 1,9 triệu hộ dân biên giới gồm 49 thành phần dân tộc, có 6 tôn giáo lớn, các vấn đề an sinh xã hội, kinh tế vùng biên giới vẫn tồn tại nhiều khó khăn, dễ nảy sinh các mâu thuẫn, dẫn tới những biến động khó lường. Riêng khu vực phía Nam ở đường biên giới với Campuchia dài khoảng 1.137km, hai nước đã tổ chức nhiều hiệp ước để phân định từ năm 1985 cho tới năm 2006 thông qua các cuộc hội đàm cấp cao và địa phương.
Về những khó khăn trong vấn đề biên giới với Campuchia, Thiếu tướng Lẹ cho rằng nơi đây do lịch sử lâu đời, có nhiều biến động nên thời gian qua, hai nước đã thống nhất quản lý đường biên giới theo 4 loại. Cụ thể, loại 1 là quản lý theo phân định, hiệp ước đã thống nhất; loại 2 là quản lý theo bản đồ cũ của người Pháp từ thời phân chia 3 nước Đông Dương để lại; loại 3 là quản lý đường biên theo bản đồ của người Mỹ và loại 4 là một số điểm ở đường biên với Campuchia, hai nước vẫn thống nhất cách quản lý theo tập quán của dân cư sinh sống ở tại địa phương đó.
Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, những năm gần đây tội phạm qua vùng biên là vô cùng phức tạp, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao và tội phạm kinh tế với những hình thức và diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo Đại tá Chương, nhiều loại tội phạm như ma túy, buôn người, mại dâm, đánh bạc, đá gà, buôn lậu,… diễn ra ngày càng nhiều ở vùng biên gây vô vàn khó khăn trong công tác ngăn chặn và quản lý.
Khó khăn là vậy nhưng thời gian qua qua nhờ sự phối hợp với hải quan và người dân lực lượng công an đã điều tra khám phá hàng ngàn vụ án hình sự vùng biên giới; triệt phà hàng trăm băng nhóm tội phạm…
“Tiếng kẻng vùng biên”
Lấy mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” làm thí dụ điển hình, đại biểu các địa phương vùng biên cho rằng, nên chăng thí điểm nhiều hơn nữa các mô hình phối hợp giữa Mặt trận và các cơ quan chức năng để tổ chức tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, kéo giảm tội phạm tại các khu vực biên giới.
Bà Lê Thị Vệ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Kiên Giang diễn giải, điển hình như tại Kiên Giang do có đường biên dài 56km giáp ranh với phía Campuchia, tiềm ẩn nhiều loại hình tội phạm phức tạp nên các địa phương ở đây đã có nhiều sáng kiến hay áp dụng trong thực tế. Điển hình là mô hình “Cổng rào an ninh vùng biên” nhằm ngăn chặn tội phạm, những hoạt động trái phép, những diễn biến bất ổn ở vùng biên giới.
Ngoài ra, tỉnh còn có mô hình “Con đò an ninh” bởi ở nhiều địa phương biên giới tại Kiên Giang có địa hình biệt lập, giao thông với địa phương khác chỉ phụ thuộc vào những chuyến đò cố định. Việc tuyên truyền, đẩy mạnh kiểm tra an ninh ở những khu vực bến đò độc đạo này đã giúp phần ngăn chặn hữu hiệu nhiều loại tội phạm vùng biên nơi đây.
Đại diện tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua công tác bảo vệ an ninh vùng biên lại được cán bộ địa phương ở đây áp dụng thông qua các mô hình “Xe Honda phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh trật tự”. Điển hình của mô hình này là ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú. Với địa hình tiếp giáp với Campuchia dài, đại diện tỉnh này nhận định, dân cư có cuộc sống bấp bênh, lao động bằng các nghề làm thuê, thường xuyên qua bên kia biên giới nên an ninh nơi đây cực kỳ phức tạp. Do đó, Công an, BĐBP ở Vĩnh Hội Đông đã chủ động phòng chống tội phạm, củng cố các chốt tuần tra bằng các xe Honda để đảm bảo việc truy đuổi, ngăn ngừa các loại hình tội phạm biên giới, đặc biệt là buôn lậu, vượt biên trái phép. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình này đã mang lại nhiều hiệu quả, đem đến sự yên bình cho vùng cửa khẩu biên giới phức tạp nơi đây.
Tỉnh Long An nơi có đường biên dài hàng trăm cây số, tiếp giáp 2 tỉnh Pray Veng và Svay Rieng của Campuchia. Thời gian qua địa phương này đã chủ động triển khai tốt mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh, thời gian qua, Long An là địa phương đi đầu thực hiện việc tổ chức phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, hai dân tộc trong công tác xây dựng và bảo vệ biên giới, xây dựng biên giới đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Khẳng định vai trò của Mặt trận
Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, hội nghị lần này là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào Toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
“Biên giới phía Tây Nam gần đây xuất hiện nhiều diễn biến rất phức tạp, có nhiều loại hình tội phạm, đe dọa an ninh quốc gia, cần có sự phối hợp giữa MTTQ các cấp cùng với công an, Bộ đội Biên phòng để kịp thời ngăn chặn, giải quyết. Ngoài ra, việc phối hợp với người dân thực hiện tốt nhiệm vụ Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia là vô cùng cần thiết” - bà Ánh nhấn mạnh.