Cá tra vẫn gặp khó

Quốc Trung - Hoàng Nguyên 24/07/2015 09:10

Ngụp lặn nhiều năm qua, con cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa tìm được đường bơi. Qua 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng lại tiếp tục đặt con cá tra lên hàng đầu để bàn giải pháp vực dậy ngành hàng này…

Cá tra vẫn gặp khó

Bao giờ con cá tra lấy lại được vị trí vẫn đang còn để ngỏ.

Lận đận đường bơi

Thời gian qua vùng nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL vẫn tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… nhiều năm nay người nuôi cá tra cũng như các doanh nghiệp đang ngụp lặn với khâu sản xuất và tiêu thụ dẫn tới con cá tra lận đận đường bơi.

Trên thực tế, những năm gần đây, con cá tra đang đối mặt với nhiều nguy cơ như: Chi phí đầu vào cao, cụ thể chi phí khoảng 19.500 đồng/kg cá tra, trong khi giá bán chỉ khoảng 19 - 22.000 đồng/kg cá thương phẩm, dẫn đến rủi ro rất cao. Một nguyên nhân nữa là, trong khi giá thành bấp bênh thì nguồn thức ăn cho cá tra hiện nay có đến 70% phải nhập khẩu khiến cho giá thành tăng cao… đó là chưa tính tới việc đồng USD tăng thì giá thức ăn trong nước cũng sẽ tăng.

Vì vậy trong trường hợp này người nuôi có lỗ hay hòa thì công ty bán thức ăn vẫn có lời. Sau một thời gian con cá tra liên tiếp gặp khó khăn, nên người dân lo lắng tới nguồn giống cá tra hiện nay đang bị suy thoái, kém chất lượng, nông dân không có con giống tốt để sản xuất.

Từ những khó khăn trên các nhà quản lý, chuyên gia cũng như các doanh nghiệp trong vùng ĐBSL đúc rút vấn đề mấu chốt đó là, sự liên kết giữa doanh nghiệp – người nuôi – ngân hàng còn kém nguyên nhân khiến cho con cá tra chưa tìm được đường bơi đúng.

Liên kết chuỗi - vấn đề mấu chốt

Thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ, Đồng Tháp có nhóm Công ty Hùng Cá (gồm Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty Cồ phần Vạn Ý, Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản Hùng Cá) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) lựa chọn tham gia chương trình để thực hiện dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra với nhu cầu vốn vay dự kiến là 1.407 tỷ đồng. Đến đầu tháng 5-2015, ngân hàng đã giải ngân cho nhóm Công ty Hùng Cá với dư nợ cho vay là 1.174 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Công ty Hùng Cá cho biết, từ nguồn vốn vay này, giá thành các loại sản phẩm: cá giống, thức ăn... đều hạ so với trước khi thực hiện thí điểm chuỗi. Bên cạnh đó, hộ liên kết được nhóm Công ty Hùng Cá hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng nên thu nhập tăng lên so với trước, ước tính tăng thêm khoảng 4,37%/ha/vụ so với trước khi thực hiện mô hình.

Theo ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh An Giang: Tái cơ cấu nghề nuôi cá tra cần đưa ra những giải pháp thiết thực. Ông Thư đưa ra hai giải pháp để vực dậy con cá tra. Thứ nhất là cần phải nuôi theo kiểu liên kết dọc. Nghĩa là HTX hay người nuôi liên kết với doanh nghiệp chế biến, với Ngân hàng NN&PTNT và công ty thức ăn. Với cách liên kết này, các bên đều có lợi vì DN chế biến khi xem xét cá thương phẩm đạt chuẩn sẽ đưa vào danh sách và tiến tới kí hợp đồng 3 bên giữa người nuôi với DN chế biến và công ty thức ăn.

Có như vậy, người nuôi có thể an tâm vì có DN tiêu thụ sản phẩm, không lo chuyện vay vốn, chất lượng con giống, thức ăn tốt. Hay DN chế biến cũng có lợi vì có nguồn sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu”. Giải pháp thứ 2 là đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất giống để tạo ra nguồn giống tốt, cần quản lý tốt hệ số chuyển hóa thức ăn theo xu hướng giảm để người nuôi có lời. Đầu tư lại hệ thống hạ tầng thủy lợi vùng nuôi, vì lâu nay thủy lợi chỉ phục vụ cho trồng lúa, không phục vụ vùng chuyên nuôi thủy sản.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển ở các vùng nuôi nhỏ. Đẩy mạnh việc tổ chức các mô hình liên kết sản xuất. Đẩy mạnh việc hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng cao lợi ích kinh tế…

Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, việc triển khai rà soát quy hoạch cá tra thực hiện theo Nghị định 36 của các địa phương còn chậm; một số địa phương phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch, ở một số vùng nuôi, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu điện lưới và hạ tầng thủy lợi tốt cho nuôi trồng thủy sản…

Từ tháng 1/2016, sẽ có một thị trường cộng đồng kinh tế ASEAN chung. Theo đó chỉ còn hơn 80 mặt hàng bị thuế, sau 3 năm xuống còn hơn 50 mặt hàng bị thuế. Cho nên số lượng không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu. Đã có một thời chúng ta nghĩ rằng làm nhiều để bán được nhiều hơn và thu về lợi nhuận cao hơn, nhưng trên thực tế việc sản xuất nhiều hơn chưa hẳn đã thu được về lợi nhuận cao hơn, thậm chí còn bị đỗ vỡ và cá tra là một ví dụ nhãn tiền.

Do vậy Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tái cơ cấu ngành thủy sản là chủ trương đúng đắn. Để tạo nên một tầm cạnh tranh quốc tế ổn định, thời gian tới tất cả các lĩnh vực sản xuất trong lĩnh vực thủy sản đều cần phải có tầm cạnh tranh quốc tế…

Quốc Trung - Hoàng Nguyên