Xác định khung pháp lý để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Chiều 24/7, tại TP HCM, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với ĐH Luật TP HCM tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”.
Hội thảo Khoa học quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”.
Theo GS Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, hội thảo lần này sẽ tập hợp các nghiên cứu về những khía cạnh pháp lý mới, cũng như các giải đáp vấn đề thực tiễn pháp lý để đề xuất giải pháp với Đảng và Nhà nước.
Dự hội thảo có trên 20 nhà khoa học trong nước và nước ngoài, là những chuyên gia có sự nghiên cứu sâu, trong đó có những học giả nước ngoài đến từ Nga, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Philippines. Đáng chú ý, hội thảo có sự tham dự của GS.TS Eric Franckx- Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan), Trưởng Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu thuộc ĐH Vrije Universityeit Brussels (Bỉ).
Năm nay, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông là chủ đề mà các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, học giả trên khắp thế giới quan tâm. Hội thảo đặt ra vấn đề xét về mặt quốc tế thì việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo là như thế nào; cũng như là tác động của hành động đó đối với các quốc gia Đông Nam Á, và dư luận quốc tế ra sao- GS Lê Minh Tâm cho biết.
Hội thảo gồm 2 phiên nội dung, với các chủ đề: Khía cạnh pháp lý liên quan đến đảo nhân tạo và thiết bị, công trình nhân tạo theo quy định của UNCLOS 1982; Tác động của hoạt động xây dựng đảo và công trình, thiết bị nhân tạo trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh, thương mại của khu vực. Từ 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, xây dựng bất hợp pháp, quy mô lớn trên 7 đá thuộc chủ quyền của Việt Nam, gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Xu Bi, Gaven và Vành Khăn.
Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM, về phương diện pháp luật quốc tế, hành động bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn trái với quy định về xây dựng đảo về công trình, thiết bị nhân tạo của UNCLOS. Đồng thời, trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
“Tôi nghĩ rằng mục tiêu quan trọng nhất của hội thảo khoa học lần này là xác định một khung pháp lý để giải quyết các vấn đề tranh chấp. Các vấn đề pháp lý phải được giải thích công khai” - GS.TS Eric Franckx - Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh rất mong các tranh chấp sẽ được giải quyết theo luật pháp quốc tế.