Ý kiến chuyên gia quốc tế về Biển Đông: Không chấp nhận đảo nhân tạo
“Những đảo nhân tạo trên vùng biển mở có thể là những trở ngại và thậm chí là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do hàng hải và đánh bắt cá, hoặc có thể gây ra những xung đột vũ trang quốc tế trầm trọng hơn” - chuyên gia của Đại học Luật Kutafin- Moscow (Nga) đánh giá.
Các học giả, nhà khoa học quốc tế trao đổi với học giả Việt Nam
bên lề Hội thảo khoa học, chiều 25/7.
Như tin đã đưa, chiều 24/7 tại TP HCM, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với ĐH Luật TP HCM tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại du lịch”.
Ngày 25/7, phát biểu tham luận, cựu Phó Đô đốc Hải quân Anup Singh - nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền đông Ấn Độ đánh giá, Biển Đông hiện nay là vùng biển quan trọng hàng đầu thế giới, với tuyến hàng hải sôi động có tác động đến nhiều nước. Chính vì thế, bằng việc xây các đảo nhân tạo mới của Trung Quốc khiến Biển Đông trở nên căng thẳng, có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang.
Học giả đến từ Đại học Luật Kutafin- Moscow (Nga), TS A.Ponkina Alena thì cho rằng, những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển sẽ gây nảy sinh tranh cãi liên quan đến việc quy định vùng an toàn xung quanh các đảo nhân tạo, cũng như những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo sự tuân thủ đối với những vùng an toàn đó bởi những quốc gia khác; những vấn đề tranh cãi liên quan đến việc quốc gia ven biển thực thi những nghĩa vụ của mình nhằm ngăn chặn sự cản trở đối với quyền đi qua không gây hại tạo ra do những công trình xây dựng và (sau đó nữa là việc vận hành) của các đảo nhân tạo.
“Những đảo nhân tạo trên vùng biển mở có thể là những trở ngại và thậm chí là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do hàng hải và đánh bắt cá, hoặc có thể gây ra những xung đột vũ trang quốc tế trầm trọng hơn” - chuyên gia này đánh giá.
Trong tham luận với tiêu đề: “Vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo: Tình trạng pháp lý”- GS.TS Erick Franckx, Trọng tài viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Haye nêu quan điểm, mặc dù Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 không đưa ra khái niệm về thuật ngữ “đảo nhân tạo”, tuy nhiên vấn đề đảo nhân tạo đang cho thấy việc áp dụng luật chơi áp đặt “nước lớn” trên Biển Đông.
Theo GS Erick Franckx, một “hòn đảo nhân tạo” mang những đặc tính tự nhiên để có thể phân biệt với khái niệm “đảo”, vốn được Công ước 1982 đề cập trong Điều 121. Nhưng vấn đề là các đảo nhân tạo vốn dĩ nằm trên mực nước biển- cuối cùng thì nó vẫn là một hòn đảo, dù được hình thành từ cấu trúc nhân tạo- hơn nữa cũng cần xem xét chúng riêng biệt với những công trình và cấu trúc vốn chìm dưới mực nước biển. “Như một hệ quả, các đảo nhân tạo chỉ được hưởng một “vùng an toàn hợp lý” xung quanh chúng bởi Công ước 1982. Do đó, cấp thiết cần xác định một khung pháp lý để giải quyết các vấn đề tranh chấp”- GS.TS Erick Franckx nhấn mạnh.
GS.TS Batongbacal- chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Philippines cũng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc, đồng thời đề nghị cần giám sát những hành động đơn phương khác có thể được sử dụng tại vùng biển này.
Cùng chung góc nhìn quan ngại nhiều học giả quốc tế cũng chỉ trích việc “đảo hóa” của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam và các quốc gia khác liên quan; vi phạm các chuẩn tắc của pháp luật quốc tế mà nhân loại đã tạo lập từ sau chiến tranh thế giới thứ hai; tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hại trong việc một quốc gia, đặc biệt lại là cường quốc ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lại vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Các học giả quốc tế khuyến nghị, cần có sự hợp tác, thống nhất và nâng cao vai trò của ASEAN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia ngoài khu vực để bảo đảm sự bình yên trên Biển Đông.
Cùng ngày 25/7, tại TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP HCM) tổ chức tọa đàm khoa học “Tranh chấp Biển Đông từ góc độ nghiên cứu khoa học”, với các diễn giả đến từ Viện Nghiên cứu Biển Đông; Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao).
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng đã đánh giá các tranh chấp ở Biển Đông đang trở nên căng thẳng. Ban Tổ chức cũng đưa ra các cân nhắc về các khía cạnh khác nhau trong những phản ứng chính sách của các nước liên quan trên Biển Đông.