Ý nguyện hiến xác của vợ chồng ông lão nghèo

Quốc Định - Đại Dương 26/07/2015 09:20

“Trong suốt cuộc đời mình, tôi luôn có một tâm nguyện là sống sao cho thật có ích cho cộng đồng, để khi “nhắm mắt xuôi tay” tâm hồn mình được thanh thản”. Đó là tâm sự của ông lão Nguyễn Ngọc Đương (còn gọi là Mười Đương 84 tuổi) và vợ mình là bà Nguyễn Thị Bé (78 tuổi) ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai khi tình nguyện hiến xác cho y học.

Ý nguyện hiến xác của vợ chồng ông lão nghèo

Cuộc sống nghèo khó nhưng đôi vợ chồng già luôn lạc quan và hướng tới người khác.

Vượt qua định kiến

Năm 2010, ông Đương cùng vợ đi thăm người bạn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Chứng kiến người bạn của mình cũng như nhiều bệnh nhân khác nằm chờ chết do mắc căn bệnh ung thư. Từ đó ông có ý định hiến xác, mong muốn góp một phần nhỏ bé thúc đẩy sự phát triển cho y học, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học với suy nghĩ đơn giản có chết đi cũng phải chết sao cho ý nghĩa.

Với suy nghĩ đó ông đã bàn với vợ mình và được bà Nguyễn Thị Bé ủng hộ. Nhưng điều làm ông bất ngờ nhất chính là việc vợ ông không chỉ đồng ý cho ông hiến xác mà cũng có ý nguyện hiến xác cùng ông. Ngay khi biết được ý nguyện hiến xác của vợ chồng ông, bốn người con đã kịch liệt phản đối. Cùng với đó là lời ra tiếng vào của bạn bè, hàng xóm láng giềng. Họ cho rằng đó là việc làm gàn dở.

Tuy vậy, ông đã kiên trì thuyết phục con cháu hiểu rằng khi qua đời mình tặng lại phần thân xác cho nghiên cứu y học, tạo điều kiện cho các bác sỹ tương lai thực tập sau này trở thành những bác sỹ giỏi trong ngành y, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đối với y học nước nhà điều đó rất cần thiết và có giá trị. Vì chữ “hiếu” các con ông từ phản đối đã dần hiểu và ủng hộ hoàn toàn việc ông bà hiến xác cho y học. Điều đó, đã làm hai vợ chồng ông cảm thấy thật thanh thản.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Toàn (46 tuổi) con gái lớn của ông cho biết: “Lúc đầu nghe ba tôi nói, cả hai ông bà hiến xác cho y học tôi hết sức bàng hoàng bởi ở thôn quê này trước giờ đâu có nghe hoặc thấy ai hiến xác bao giờ. Nhưng sau đó được ba giải thích, tôi mới hiểu và thấy được ý định hiến xác của ba, mẹ xuất phát từ cái tâm bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với cộng đồng xã hội. Do đó chúng tôi rất ủng hộ.”.

“Lúc đầu, do chưa tường tận về quy trình hiến xác nên để thực hiện vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông đã đến UBND xã Thanh Bình nhờ cán bộ hướng dẫn, viết đơn hiến xác. Năm 2011, vợ chồng tôi được cán bộ xã đưa lên ĐH Y dược làm thủ tục hiến xác. Khi được các bác sĩ trao giấy chứng nhận tự nguyện hiến thi hài, chúng tôi đã bật khóc vì ước nguyện bấy lâu đã trở thành hiện thực.”, ông Đương nói. Từ đó tới nay ông cất giữ các giấy tờ liên quan đến thủ tục “hiến xác” của hai vợ chồng rất cẩn thận, coi như một báu vật gửi lại cho đời.

Ông Võ Bá Hưởng - Chủ tịch UBMTTQ xã Thanh Bình, cho biết: Việc vợ chồng ông Mười Đương hiến xác cho y học đã làm cho người dân địa phương rất khâm phục, xuất phát từ cái tâm bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn thật cao cả.

“Ông Mặt trận”

Cả đời nghèo khó nhưng ông bà luôn lạc quan và hạnh phúc bên nhau. Đến căn nhà tình nghĩa khoảng 40 m2 do nhà nước xây tặng, ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai mới thấy hết được sự lạc quan của vợ chồng ông lão Mười Đương.

“Gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo, nhưng ông bà luôn có tấm lòng nhân hậu và đức hi sinh hơn nhiều người. Quan niệm sống chết vì người khác, hiến xác cho y học nó chất phát, thật thà như chính con người ông” - ông Nguyễn Văn Đảng, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết.

Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên- Huế, do cuộc sống khó khăn vợ chồng ông phải tha phương lập nghiệp. Năm 1978, ông đưa vợ con vào Đồng Nai. Do không có đất sản xuất, để đảm bảo cuộc sống mưu sinh vợ chồng ông đã phải rong ruổi khắp làng trên xóm dưới gánh nước thuê, bán cho các hộ dân. Chính nhờ cái nghề nặng nhọc ấy mà ông nuôi sống cả gia đình, lo cho con cái ăn học và trang trải cuộc sống. Tuy vậy, ông luôn tích cực tham gia công tác Mặt trận tại địa phương. Nhắc đến ông ai cũng gọi ông với các tên trìu mến “ông Mặt trận”.

Giữa dòng đời hối hả, với lợi danh đan xen lẫn lộn thì hình ảnh đôi vợ chồng già nghèo khó nhưng luôn lạc quan nghĩ và hướng tới người khác là tấm gương sáng lấp lánh giữa cuộc sống đời thường.

Quốc Định - Đại Dương