Triển khai Luật Hộ tịch: Không để luật đợi văn bản hướng dẫn

Lê Bảo 27/07/2015 09:25

Đánh giá về Luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, đây là lần đầu tiên chúng ta có Luật điều chỉnh riêng về lĩnh vực hộ tịch sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ.

Triển khai Luật Hộ tịch: Không để luật đợi văn bản hướng dẫn

Người dân sẽ được đảm bảo quyền lợi hơn khi Luật Hộ tịch được triển khai.

Ảnh: T.L.

Nhiều đột phá

Nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, Luật Hộ tịch đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, luật đã đề cao vai trò quan trọng của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh. Đó là gắn việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em. Đây là phương thức quản lý dân cư hiện đại.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh được ghi vào Giấy Khai sinh và đây là thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp căn cước công dân.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân cùng với cơ sở dữ liệu giấy, kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, thông tin hộ tịch của cá nhân sẽ được quản lý tập trung thống nhất, các bộ, ngành, địa phương sử dụng thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý của bộ, ngành, địa phương mình mà không cần phải nhập lại, cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đáng chú ý, nhằm mang lại thuận tiện cho người dân, cắt giảm các chi phí, luật cũng có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân như đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch, cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn, nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép, giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Luật Hộ tịch đã thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương. Đó là UBND cấp huyện được giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; thay đổi hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc.

Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành

Xác định đây là Luật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân ngay khi Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch theo hướng xác định rõ những nội dung trong luật. Kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó cơ bản trong quý III, Bộ Tư pháp và các bộ trong đó có Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Hộ tịch. Tổ chức rà soát các văn bản QPPL hiện hành liên quan đến Luật Hộ tịch, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL bảo đảm thi hành hiệu quả luật.

Mặc dù vậy, trên cơ sở đánh giá những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong công tác hộ tịch thời gian qua, Bộ Tư pháp cho rằng, việc triển khai Luật Hộ tịch cần có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời của Chính phủ, có phân công nhiệm vụ cụ thể và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các cấp.

Mặc dù vậy vẫn có không ít ý kiến băn khoăn liệu Luật Hộ tịch có bị rơi vào cảnh Luật đợi... thông tư hướng dẫn? Trước băn khoăn này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thi hành Luật Hộ tịch, Cục trưởng Cục Hộ tịch Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh cho biết, Bộ Tư pháp hứa sẽ cố gắng hết khả năng để cả Nghị định và Thông tư hướng dẫn cùng có hiệu lực vào thời điểm 1-1-2016.

Lê Bảo