Nhà đầu tư chưa mặn mà với DN nhà nước

H.Hương 27/07/2015 09:30

Việc cổ phần hóa chỉ thực hiện một phần, nghĩa là Nhà nước mới bán một lượng nhỏ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do nhà nước vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp được “rao bán” nhưng ít hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng công cuộc cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang ngổn ngang, và cần hướng tới chất lượng thay vì số lượng, thì Chính phủ cũng chỉ đạo, cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa gắn với niêm yết.

Trong đề xuất mới nhất của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam vừa được công bố, Hiệp hội này cũng nhấn mạnh, giải pháp triệt để để Tập đoàn tổng công ty nhà nước kinh doanh hiệu quả là phải cổ phần hóa và tham gia niêm yết chứng khoán.

Quá trình tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty vẫn đang thực hiện ráo riết. Bối cảnh hội nhập đang đặt sức ép nặng hơn cho công cuộc cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên quá trình cổ phần hóa vẫn đang có những nút thắt nhất định.

Nếu như chuyên gia kinh tế đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định với Đại Đoàn Kết, trọng trách cổ phần hóa 289 DNNN năm 2015 là rất khó hoàn thành thì mới đây, chuyên gia đến từ WB lại tiếp tục nhấn mạnh VN cần khắc phục hàng loạt bất cập hiện nay trong quá trình tái cơ cấu DNNN.

Diễn tiến đang chỉ ra, chúng ta mới chỉ thực hiện cổ phần hóa ở các DNNN nhỏ, trong khi những đơn vị lớn chưa thể tiến hành được. Thêm nữa, việc cổ phần hóa chỉ thực hiện một phần, nghĩa là Nhà nước mới bán một lượng nhỏ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do nhà nước vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp được “rao bán” nhưng ít hấp dẫn nhà đầu tư.

Dẫn kết quả mới nhất từ Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết hai quý đầu năm đã có 61 DNNN cổ phần hóa, chậm so với kế hoạch đặt ra cho cả năm là phải cổ phần hóa 289 DNNN. 57 DN vẫn chưa có kế hoạch cổ phần hóa cụ thể. Trong khi đó năm 2015 cũng là năm cuối cùng để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DN nhà nước trong giai đoạn 2011-2015.

Thời gian gần đây, khi so sánh vai trò khối DNNN và khối DN tư nhân, phần lớn ý kiến cho rằng, DN tư nhân đang đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng nền kinh tế. Khối DN này ngày càng thể hiện rõ hơn sự vượt trội về hội nhập. Vì vậy, chỉ có cải cách, cổ phần hóa DNNN mới mở rộng đường cho DN tư nhân phát triển.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ các bộ chủ quản phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ và cả những biện pháp xử lý quyết liệt với người đứng đầu DN. Không có lý do gì để DN sau khi đã xác định giá trị lại chần chừ không phê duyệt phương án cổ phần hóa. Không có lý do gì để thành lập ban chỉ đạo rồi nhưng nhiều tháng vẫn không sắp xếp doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đang thực hiện rà soát quá trình cổ phần hóa, đơn vị nào không có lý do rõ ràng mà chậm cổ phần hóa thì lãnh đạo bộ, DN phải chịu trách nhiệm. Được biết, hiện Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao cùng với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN rà soát và đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp, ngồi cùng các DN để xử lý những tồn tại, khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Theo ông Đặng Quyết Tiến việc tiến hành cổ phần hóa sẽ không thể hoàn thành nếu chỉ đưa ra con số và hô hào, không cổ phần hóa bằng mọi giá, làm ào ào. Cổ phần hóa xong phải có sự thay đổi về chất để DN hoạt động thực sự tốt và đồng vốn Nhà nước bán ra được giá trị cao nhất.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN phải xác định được tư duy về vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. DNNN chỉ hoạt động trong lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm.

Ngay cả lĩnh vực này, Chính phủ có thể cân nhắc mua các dịch vụ tương tự từ các nhà cung ứng của khu vực tư nhân. Điểm quan trọng nhất là cổ phần hóa phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

H.Hương