Xây dựng thương hiệu cho tôm sú
Theo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2015, tôm sú có giá bán ổn định và thị trường tốt nhưng lại chưa được đầu tư nuôi tương xứng so với tôm chân trắng, chỉ chiếm khoảng 30%.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, do nhu cầu tiêu thụ và giá tôm thế giới giảm mạnh nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm. Lũy kế 6 tháng đầu năm sản lượng tôm nước lợ chế biến ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường nhập khẩu tôm chủ yếu hiện nay bao gồm Mỹ chiếm 20,6%, EU 18,4%, Nhật Bản 18,4%, Trung Quốc và Hồng Kông là 13,3%, còn Hàn Quốc là 8,7% và các thị trường khác là 20,6%.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm hiện nay đang gặp khó khăn do nguồn cung tôm thế giới tăng mạnh. Hiện lượng tôm nuôi nước lợ tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đang hồi phục mạnh sau các đợt dịch bệnh từ những năm trước. Mặt khác, tốc độ tăng tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng Việt Nam và USD thấp hơn so với đồng tiền khác. Do đó tôm Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới nên khó bán.
Vì giá tôm thấp, người nuôi chưa đẩy mạnh nuôi nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến không nhiều. Các DN chế biến tôm lớn hiện nay còn sử dụng một lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài chiếm khoảng 15% nguồn nguyên liệu đầu vào nên chưa kiểm soát hết được về chất lượng. Tôm sú có giá bán ổn định và thị trường tốt nhưng lại chưa được đầu tư nuôi tương xứng so với tôm chân trắng, chỉ chiếm khoảng 30%.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối cho rằng, để xuất khẩu tôm phát triển thuận lợi hơn trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của nhà nước về thủy sản đã ban hành. Xét xem điều chỉnh tỷ giá phù hợp giữa đồng VNĐ và USD để hỗ trợ xuất khẩu.
Cùng với đó, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu, phát triển nuôi tôm sú tại những nơi có điều kiện thuận lợi với tỷ lệ phù hợp so với tôm thẻ chân trắng vì tôm sú ổn định giá cả, ít cạnh tranh.
Khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng kênh phân phối và bản lẻ tại các thị trường nhập khẩu chính, tiếp tục triển khai xây dựng thương hiệu tôm sú Việt Nam, nghiên cứu tìm hiểu thị trường để hạn chế các rào cản. Chủ động nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tôm vào các thị trường mà Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA, TPP…).