Sau thỏa thuận hạt nhân: Sức mạnh quân sự của Iran ra sao?

Linh Chi 27/07/2015 06:30

Iran và nhóm P5+1 mới đây đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử nhằm hạn chế chương trình làm giàu uranium gây tranh cãi của Tehran. Trong một vài tháng tới đây, khi Tehran tuân thủ theo thỏa thuận này, hàng loạt các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào nền kinh tế và quân sự nước này sẽ được gỡ bỏ.

Sau thỏa thuận hạt nhân: Sức mạnh quân sự của Iran ra sao?

Phải thêm thời gian để Iran phục hồi kinh tế và tăng cường quân sự.

Giới quan sát hiện đang lo ngại thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội cho quân đội Iran phát triển. Thỏa thuận sẽ giúp Iran có được các thương vụ mua bán vũ khí với nước ngoài, nhờ đó mà thay thế được phần lớn các vũ khí cũ kỹ đã có từ những thập kỷ 70-80 đồng thời tăng ngân sách quốc phòng thông qua xuất khẩu dầu mỏ. Nói tóm lại, lực lượng vũ trang của Iran sẽ được tăng cường sức mạnh, đó là điều mà giới quan sát phương Tây quan ngại.

“Nếu thỏa thuận đạt được và kết quả là các lệnh cấm vận được gỡ bỏ, chính quyền Tehran sẽ có cơ hội tăng cường sức mạnh kinh tế và tôi nghĩ rằng họ sẽ đầu tư vào khả năng quân sự” – Tướng Martin Dempsey, quan chức quân sự hàng đầu nước Mỹ, từng nói trong một chuyến thăm đến Jerusalem hôm 9-6.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia phân tích quân sự, nền kinh tế của Iran có hồi phục trở lại cũng thể lập tức cho nước này khả năng xây dựng một cỗ máy chiến tranh toàn diện được. Sẽ phải mất nhiều năm để Tehran có thể cơ cấu lại nền kinh tế đang bị tụt hậu, chưa kể họ còn lâu mới có thể đuổi kịp các đối thủ trong khu vực xét về mức ngân sách dành cho quốc phòng.

Mỹ và các chính phủ phương Tây đã ngừng toàn bộ các thương vụ mua bán vũ khí đối với Iran từ năm 1979, theo các lệnh trừng phạt áp đặt với nước này, và khó có khả năng các nước này – trong đó có cả Mỹ - sẽ sớm gỡ bỏ lệnh cấm này dù cho đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với họ.

Đến nay, Mỹ đã tìm kiếm một cách tiếp cận mới với Iran, nhưng chính quyền Washington vẫn giữ nguyên mối quan hệ đồng minh thân cận với Ả rập Saudi và sự hiện diện ở Trung Đông của Mỹ dựa chủ yếu vào chuỗi các căn cứ hải quân và không quân đặt ở Bahrain và Qatar. Bởi vậy, chính quyền Mỹ sẽ không dễ gì mà phá bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí với Iran bởi nó sẽ khiến các nước đồng minh của họ ở Trung Đông tức giận.

Nhưng thỏa thuận mới đạt được lại cho phép Iran buôn bán vũ khí với Nga và Trung Quốc – cả hai nước đều là các nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Tehran. Moscow từ lâu đã muốn bán cho Tehran hệ thống tên lửa S-300, một trong những vũ khí đất đối không tầm xa mạnh nhất của họ. Trong những năm 1990, Iran từng mua một số xe tăng T-72 và phi cơ chiến đấu MiG-29 của Nga.

Tuy nhiên, đến năm 2010, các thương vụ này đã bị hoãn lại sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 1929, trong đó ngăn chặn các thương vụ mua bán vũ khí lớn của Iran gồm mua bán tên lửa, xe tăng, phi cơ chiến đấu và chiến hạm.

Đến năm 2013, nhóm P5+1 đã thỏa thuận với phía Iran rằng sẽ gỡ bỏ các lệnh cấm vận trên phần để đổi lấy một thỏa thuận hạt nhân, phần để giữ Nga và Trung Quốc lại bàn đàm phán.

Vấn đề đối với Iran hiện nay nằm ở chỗ, họ phải trả tiền mới có được vũ khí mới, và nguồn tiền đó chủ yếu đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Khoảng 65% thu nhập quốc gia của Iran đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Một thỏa thuận hạt nhân đạt được với nhóm 6 cường quốc sẽ dọn đường cho các sản phẩm dầu mỏ của Iran ra thị trường thế giới, nhờ đó mà tăng thu nhập cho Iran. Tuy nhiên, lợi nhuận xuất khẩu dầu mỏ của Iran được nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ ở mức thấp trong ngắn hạn do các thị trường đang quá nguồn cung.

Có nhiều khả năng Iran sẽ mất thêm một năm để tìm kiếm các khách hàng ở châu Âu. Còn hiện tại, hầu hết sản lượng dầu của Iran được chuyển đến thị trường Đông Á. Nhưng một khi Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ lệnh cấm đối với mặt hàng dầu mỏ của Iran, nước này có thể lập tức cung cấp 500.000 thùng dầu mỗi ngày cho nền kinh tế toàn cầu, gây biến động lớn cho giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, Tehran không thể cung cấp quá 500.000 thùng một ngày bởi đa phần nền công nghiệp dầu khí của nước này đã cũ kỹ và không thể đạt chất lượng tốt như dầu khí đến từ khu vực Vịnh Ba Tư. Sẽ phải mất nhiều năm để làm việc với các công ty dầu khí của Mỹ và châu Âu thì phía Iran mới có thể sỡ hữu những công nghệ mới nhất nhằm cải thiện ngành công nghiệp dầu khí của họ.

Ngoài ra, Iran cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ như các nước Vùng Vịnh và Ả rập Saudi, xét về cả giá dầu và ngân sách cho quốc phòng. Xét về vấn đề này, các đối thủ của Iran trong khu vực đều có lợi thế hơn.

Theo một số thống kê không chính thức, Iran chi khoảng từ 8-14 tỷ USD mỗi năm dành cho quốc phòng, trong khi con số này của Ả rập Saudi và các nước Vùng Vịnh là khoảng 72 tỷ USD mỗi năm; theoViện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Và trong khi Iran còn đang loay hoay với thỏa thuận mới, thì các nước này tiếp tục tăng thêm ngân sách cho quốc phòng và mở rộng các thương vụ mua bán vũ khí với các nước khác.

Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tổng ngân sách dành cho quốc phòng của các nước Vùng Vịnh là khoảng 98,5 tỷ USD mỗi năm - lớn hơn nhiều lần so với Iran. Phần lớn các đồng USD này dành để mua các thiết bị quân sự hiện đại của Mỹ và châu Âu, trong đó gồm phi cơ chiến đấu, trực thăng và các hệ thống phòng thủ trên không.

Linh Chi