Mất vệ sinh rình rập bếp ăn tập thể
Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm công nhân đồng loạt phải nhập viện cấp cứu. Đặc biệt, một con số được Bộ Y tế đưa ra rất đáng lưu tâm: từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 656 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 27.000 người mắc, trong đó 184 người tử vong. Điều đáng nói, hiểm nguy rình rập các bếp ăn tập thể chính là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm!
Hình ảnh một số vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm nhập viện.
Mới đây, 156 công nhân của Công ty Meraki FW (có vốn 100% Đài Loan, chuyên may túi xách xuất khẩu tại KCN Sóng Thần 1, TX. Dĩ An, Bình Dương) đã phải nhập viện cấp cứu. Đoàn công tác của Cục An toàn thực phẩm do ông Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã đến kiểm tra, mới đây lý giải nguyên nhân gây ngộ độc là vì “xuất ăn quá rẻ” (16.000đ/ suất). Mà rẻ thì đồng nghĩa với khó đảm bảo những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vốn đòi hỏi những quy trình, quy định nghiêm ngặt.
Khảo sát rộng hơn, kết quả của Bộ Y tế cho thấy vẫn còn đến 20% bếp ăn tập thể tại các Khu công nghiệp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó tính riêng tại các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đã xảy ra 84 vụ ngộ độc thực phẩm làm 6.059 người phải nhập viện cấp cứu, trung bình mỗi năm có 17 vụ với hơn 1.000 người mắc.
“Số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp/ khu chế xuất những năm gần đây có chiều hướng giảm nhẹ song số người mắc lại tăng, diễn biến rất phức tạp với nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm hàng trăm người mắc, nhất là tại các tỉnh Đông Nam Bộ”, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết.
Một trong những nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp vẫn nhức nhối, theo TS Phong là do xu thế sử dụng các bữa ăn này gia tăng, trong khi một bộ phận lớn các cơ sở có nhu cầu sử dụng thực phẩm cung cấp cho công nhân giá rẻ, chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/ suất ăn.
Cho rằng, giá thực phẩm rẻ là một điều tốt với rất nhiều người lao động, nhưng các chuyên gia y tế cũng lưu ý, vấn đề cần phải quan tâm là chất lượng của những phần ăn giá rẻ ấy như thế nào bởi nếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe cho người sử dụng trước mắt cũng như lâu dài. Theo PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn mỗi ngày của công nhân chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng đối với nam và 70% đối với nữ. Trong thành phần bữa ăn cũng chỉ có 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột, đường như gạo, khoai...
Không phải công nhân không biết rằng suất ăn của họ “có vấn đề”, nhưng cuộc sống, thu nhập của họ khiến họ không có lựa chọn khác hơn. Chị Nguyễn Thị Xuân (Khu công nghiệp Sài Đồng – Long Biên – Hà Nội) cho biết: “Với đồng lương công nhân thấp, lại còn chi phí thuê nhà, điện nước sinh hoạt thì chúng tôi chỉ có thể ăn những suất cơm giá rẻ. Chỉ mong là các đơn vị cung cấp suất ăn chế biến sạch sẽ, mong có sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng để công nhân chúng tôi tránh bị ngộ độc hàng loạt phải nhập viện cấp cứu”.
Tuy vậy, kết quả khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lại cho thấy, hiện các cơ sở cung cấp suất ăn cho các khu công nghiệp ngày càng đa dạng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, “điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm”, TS Phong cho biết.
Thậm chí mới đây phát hiện một công ty có 18 bếp ăn tập thể thì 8 bếp ăn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng phát hiện 16,7% cơ sở không đạt về điều kiện vệ sinh khu chế biến, nhà ăn, 16,16% cơ sở vi phạm về lưu mẫu, 9,25% cơ sở sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc…
Các vụ ngộ độc thức ăn sẽ còn tăng nếu chúng ta không quan tâm ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào, rồi đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Mặt khác, nếu không có biện pháp mạnh để đôn đốc, kiểm tra, xử phạt những đơn vị, công ty cung cấp bữa ăn cho người lao động, đặc biệt là cung cấp suất ăn cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. TS Nguyễn Thanh Phong cho rằng, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương các cấp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, chủ DN sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao, chưa thường xuyên.
Theo TS Phong, hiện nay khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất còn ở chỗ nhiều tỉnh có quy định việc kiểm tra, thanh tra (trong đó có y tế) đối với doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải được thông báo trước 7- 10 ngày cho Ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ DN. Những quy định này “dẫn đến việc thanh kiểm tra một số bếp ăn tập thể rất khó thực hiện, nhất là kiểm tra đột xuất”, TS Phong nói.
Chính vì vậy, để ngăn chặn những sự cố hàng loạt công nhân phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, cần có sự tăng cường thanh kiểm tra bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của ngành y tế cũng như của chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Có như vậy, đời sống, sức khỏe của công nhân mới được bảo vệ.