Định vị về Nguyễn Du cho hôm nay và mãi mãi
Hướng tới Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) - được tổ chức vào tháng 11 tới đây, sáng 28/7, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học mang tên Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”.
Tượng Thi hào Nguyễn Du tại Nghi Xuân- Hà Tĩnh
Hội Kiều học Việt Nam hoạt động từ tháng 7/2011, đến nay vừa tròn 4 năm. Từ khi ra mắt, đây là hội thảo thứ ba về Nguyễn Du do Hội kết hợp cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức. Tại hội thảo khoa học về kiệt tác Truyện Kiều lần này, có hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu gửi đến, xoay quanh hai phương diện: một là thiên tài Nguyễn Du, và hai là kiệt tác Truyện Kiều. Đây là hoạt động khởi động cho Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Tiếp đó, đến tháng 7/8 là Hội thảo Quốc tế về Nguyễn Du do Viện Hàn lâm khoa học xã hội chủ trì. Và tới cuối tháng 11/2015 là Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia do Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức. |
Khẳng định tư cách đại thi hào cho Nguyễn Du và kiệt tác cho Truyện Kiều, đó là một khẳng định hoàn toàn không mới, nhưng vẫn là cần thiết, bởi, với Nguyễn Du, các giá trị mà ông để lại cho đời, theo thời gian, không hề có chuyện phải phủi bụi, mà càng là sự tỏa sáng.
Cùng với Nguyễn Trãi - năm 1980, và Hồ Chí Minh - năm 1990, Nguyễn Du - năm 2015 là một trong 3 danh nhân văn hóa Việt được UNESCO tôn vinh. Cũng Nguyễn Du - năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm sinh được Hội đồng hòa bình thế giới tôn vinh.
Vậy là, với Nguyễn Du, đây là lần thứ hai, sau 50 năm, dân tộc Việt Nam, công chúng Việt Nam, các giới sáng tác, nghiên cứu văn chương, học thuật Việt Nam lại có một dịp cùng nhau tìm đến những giá trị chung có tính phổ quát của nhân loại, và những giá trị riêng thuộc đỉnh cao thiên tài Nguyễn Du, để tiếp tục gìn giữ, bồi đắp các giá trị dân tộc của văn hóa, văn hiến Việt Nam.
Trong trạng thái nguyên hợp văn - sử - triết, văn chương Trung đại Việt, cả Hán và Nôm đều tuân thủ triệt để nguyên tắc: Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí. Áng truyện thơ Nôm có giá trị lớn, đóng vai trò kết thúc truyện thơ lục bát dân tộc là Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, dành cả phần mở đầu cho một tuyên ngôn:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Ngược về trước, từ cuối thế kỷ XVIII, khi trào lưu nhân đạo chủ nghĩa dâng cao qua rất nhiều truyện thơ như Hoa tiên, Phan Trần, Nhị độ mai, Sơ kính tân trang... đòi hỏi cho con người được phép yêu, có quyền yêu trong chống chọi với lễ giáo, hoặc dung hòa với lễ giáo, thì vành đai hoặc mạng lưới của đạo lý vẫn còn rất dầy nặng, khiến cho Nguyễn Huy Tự - tác giả Hoa tiên, dù đã cố thu xếp cho tình yêu và lễ giáo có một “ngôi nhà chung”, có được sự chung sống hòa bình, đến cuối đời vẫn không quên nhắc nhở con cháu: “Loại sách ấy (như Hoa tiên) có thể di hại tính tình, mày cùng con cháu thì chớ nên, chớ nên...”. Và câu vè được lưu truyền rộng rãi, mang tính răn đe là nhằm vào hai cuốn xem ra có sức công phá lễ giáo mạnh mẽ nhất.
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều.
Trong toàn cảnh sự kéo dài hàng ngàn năm thống trị của đạo lý phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí, mà hướng tới một bức tranh đời rộng lớn, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ “trăm năm trong cõi” một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ.
Ở bức tranh đời đó, lễ giáo gần như không có vai trò gì, thậm chí gần như không có mặt để cho con người chống chọi, hoặc tìm ra cách thỏa hiệp, như trong số rất lớn truyện thơ Nôm khác. Lễ giáo ở đây càng không gây cản trở gì cho tình yêu. Nguyễn Du đã để cho Kiều hết sức tự do trong tình yêu, gần như từ A đến Z. Và không chỉ một cuộc tình, với một người là Kim Trọng...
Vậy là, dẫu với tất cả những hạn chế, ràng buộc của tư duy và phương thức miêu tả của văn chương Trung đại, Nguyễn Du vẫn xây dựng được một thế giới nhân vật sống động làm nên bức tranh đời rộng lớn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều mà không có bất cứ tác phẩm nào trong văn học Việt, từ trung đại đến hiện đại, so sánh được.
Kiệt tác Truyện Kiều.
Trong bối cảnh của sự ra đời nhiều chục truyện thơ, trong đó có những truyện nổi danh như Phan Trần, Hoa tiên, Sơ kính tân trang... Truyện Kiều vẫn có thể thoát ra khỏi mặt bằng chung, để trở thành một hiện tượng thơ nổi bật, không bị khuất lấp bởi một bộ đồng phục cơ bản là giống nhau, ở khuôn hình văn chương và ý thức hệ.
Biết bao nhiêu là nhân vật, có tên và không tên, đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của biết bao thế hệ công chúng suốt hơn 200 năm qua. Không kể Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan... Không kể Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ... Mà còn là Chung Công, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, Mã Kiều, bóng ma Đạm Tiên... Rồi còn là các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì”...
Quả không một truyện thơ Nôm nào từ thế kỷ XVII cho đến Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX đạt được một hiệu quả nghệ thuật hiện đại đến thế.
Đã đành không khó nhận ra Nguyễn Du trong vai người can thiệp, với lời bình không cần che dấu, trước mọi tình huống và cảnh ngộ của nhân vật:
Trong tay đã sẵn đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Thương ôi tài sắc bậc này
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.
Nhưng không có ở bất cứ nơi nào, một ý hướng giáo dục, khuyên nhủ, bảo ban, răn dạy người đọc như một nhà luân lý. Gần như tất cả, Nguyễn Du đều nhường phần đất rộng rãi nhất cho nhân vật, để cho nhân vật sống sự sống của bản thân nó, và trực tiếp đến với người đọc mà không có bất cứ gián cách nào. Cố nhiên, vẫn còn đó, hai chữ Tâm và Tài, để cho Nguyễn Du đặt ở cuối Truyện Kiều 2 câu “kinh điển”:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài như một tổng kết tuyệt đối đúng cho sự tu thân, tu dưỡng của nhân gian trăm họ.
Và đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy”. Phải qua “những điều trông thấy” để đến với giá trị nhân văn “mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn.
Thật rất tinh đời và sâu sắc một nhận xét của Cao Bá Quát – người sống cách ta hơn 200 năm: “Kim Vân Kiều là tiếng nói hiểu đời. Hoa tiên là tiếng nói răn đời vậy!”
Với hiệu quả “hiểu đời”, Truyện Kiều không chỉ đã vượt ra khỏi quỹ đạo của thơ nói chí, văn chở đạo mà còn đạt được một hiệu quả nghệ thuật rất cao, và rất mới trong sự sống của nhân vật, xem ra phải đến chủ nghĩa hiện thực thời hiện đại mới thực hiện nổi. Điều này giải thích giá trị trường tồn của Truyện Kiều, bởi với Truyện Kiều, chỉ riêng Nguyễn Du, chứ không phải bất cứ ai khác là người đầu tiên báo hiệu sự dứt bỏ những rào cản lớn nhất trong phương thức tư duy và ý hướng đạo đức của văn chương Trung đại.