Cẩn thận bệnh khớp do tổn thương thần kinh
Một số bệnh thần kinh, gây tổn thương ở khớp như: Viêm khớp, tràn dịch, thoái hóa, biến dạng khớp… Ở những bệnh nhân này, các triệu chứng về khớp thường xảy ra muộn hơn so với các tổn thương thần kinh. Tuy nhiên, có ít trường hợp triệu chứng khớp lại xuất hiện sớm, là dấu hiệu đầu tiên, nên dễ nhầm là bệnh khớp mà bỏ qua bệnh thần kinh.
Vì sao bệnh thần kinh lại gây đau khớp?
Những tổn thương ở khớp do các bệnh thần kinh, có thể giải thích bằng 2 cơ chế như sau:
Thứ nhất là dinh dưỡng: Do bệnh nhân bị tổn thương thần kinh (nhất là ở phần tủy) gây nên những rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh vận mạch. Những rối loạn này làm thay đổi dinh dưỡng của đầu xương và bao khớp, dẫn đến tình trạng loạn sản làm thay đổi cấu trúc và hình dạng của khớp.
Thứ hai, do tác động cơ giới: Các bệnh thần kinh là nguyên nhân gây bệnh khớp thường gây mất cảm giác sâu. Vì vậy khi vận động bệnh nhân thường không giữ được tư thế cố định cân bằng, mất các phản ứng tự vệ của khớp đối với các tư thế xấu, có hại. Do tình trạng này kéo dài, các động tác, tư thế có hại tác động như những vi chấn thương làm cho khớp bị thoái hóa và di lệch biến dạng dần, thành cố tật.
Khớp đau có 2 dạng:
Một là, viêm khớp cấp tính hay mạn tính với các biểu hiện: sưng, nóng, đỏ, đau, có dịch trong khớp. Đặc điểm là đau ít hoặc không đau, đây là một tính chất đặc biệt của bệnh khớp do thần kinh. Viêm khớp cấp thường kéo dài một thời gian, sau đó khỏi rồi lại tái phát. Hầu hết trường hợp bệnh diễn biến từ từ tăng dần, khớp biến dạng dần, khả năng vận động càng giảm nhưng rất ít khi dẫn đến dính khớp. Bệnh có thể có các biến chứng như: nhiễm khuẩn khớp, gãy xương tự nhiên, chảy máu trong khớp, chèn ép mạch máu hoặc thần kinh, sai khớp hoàn toàn.
Hai là, khớp bị tổn thương thoái hóa, biến dạng từ từ tăng dần, ít đau. Đó là hậu quả của những tổn thương loạn sản, loạn dưỡng ở đầu xương, sụn khớp, dây chằng và bao khớp. Trên thực tế khớp của bệnh nhân có những hình dạng bất thường và nhất là có những động tác bất thường như lỏng lẻo khớp.
Khi bệnh nhân đến khám ở bệnh viện, xét nghiệm máu và dịch khớp không thấy gì đặc biệt. Chụp phim x- quang có các hình ảnh tổn thương xơ hóa đậm đặc đầu xương: đầu xương biến dạng do những tổn thương phối hợp vừa khuyết vừa mọc thêm, vôi hóa phần mềm quanh khớp, thấy các hình ảnh gai xương, gãy xương …
Cách phòng bệnh
Đau khớp do các bệnh thần kinh, không phải là bệnh khớp xảy ra cùng lúc với bệnh thần kinh, mà chỉ là hậu quả của các bệnh thần kinh gây nên. Vì vậy muốn phòng tránh tổn thương khớp, chủ yếu phải phòng tránh bệnh thần kinh. Một khi đã phát hiện các bệnh thần kinh là nguyên nhân gây tổn thương khớp thì cần điiều trị sớm và tích cực, để bệnh thần kinh đó không tiến triển đến giai đoạn đau khớp. Trong các bệnh là nguyên nhân gây đau khớp có bệnh giang mai, khi đến giai đoạn giang mai thần kinh (Tabès) sẽ gây đau khớp. Vì vậy cần phòng tránh giang mai bằng các biện pháp như: quan hệ tình dục an toàn để tránh lây giang mai; khám chẩn đoán sớm và điều trị triệt để bệnh giang mai từ giai đoạn đầu. Phòng tránh chấn thương tủy sống bằng các biện pháp bảo hộ lao động, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Chữa trị?
Trong điều trị đau khớp do bệnh thần kinh phải tùy theo thể bệnh và mức độ tổn thương khớp. Nếu đang trong thời kỳ viêm cấp: phải dùng thuốc chống viêm, tiêm hydrocortison tại chỗ, giữ chi bệnh ở tư thế cơ năng. Nếu là thể bệnh kéo dài: cần tránh va chạm, tránh vận động nhiều và mạnh, cố định khớp ở tư thế cơ năng nếu tổn thương nặng. Phẫu thuật làm dính khớp áp dụng trong trường hợp khớp quá lỏng lẻo không vận động được. Mặt khác cần điều trị nguyên nhân tức là điều trị bệnh thần kinh gây đau khớp: Đái tháo đường, chấn thương chèn ép …