Học và làm

Kiên Long 30/07/2015 09:00

Trong xu thế phát triển, thực tế, quan niệm “học để làm quan” xưa nay, đã buộc phải thay đổi. Không ít những kỹ sư, thạc sĩ về với đồng quê lập nghiệp, tìm cơ hội cho chính mình. Việc đào tạo “thừa thầy thiếu thợ” cũng phải tự chuyển đổi.

Với những quy định mới, gia đình và các em học sinh có thêm nhiều cơ hội để chọn lựa.

Trang bị kiến thức khi còn trẻ làm hành trang để bước vào đời là việc luôn phải làm, được mỗi gia đình, cá nhân và cả xã hội quan tâm. Những tháng ngày này, các em học sinh ở mọi nơi đã và đang trải qua các bước sát hạch, thủ tục, để bước vào các trường lớp mới. Các trường THPT đã tuyển sinh, phân lớp. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Và rồi câu chuyện học gì, học như thế nào, rồi đây tương lai làm gì, để trở thành người thành đạt, đóng góp cho đất nước, có ích cho xã hội?...

Những câu hỏi nói trên đã làm không ít các bậc ông bà, cha mẹ, cùng các bạn trẻ quan tâm, trăn trở. Vấn đề càng trở nên quan trọng và được đặc biệt quan tâm đối với các gia đình, các em học sinh khi bước vào các trường THPT, thi lên đại học, cao đẳng. Những ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, nhà kinh doanh, quản lý... đã và đang yêu cầu các bậc phụ huynh, học sinh phải có những chọn lựa.

Đành rằng tương lai vẫn còn ở xa, việc cống hiến, đóng góp trên lĩnh vực gì, như thế nào cũng chưa thể nói, chưa vội kết luận, nhưng như mũi tên bắn đi, việc nhắm đến cái đích nào, người ta phải suy tính, đi đến những quyết định, để rồi tới đây chịu trách nhiệm với cuộc đời, sự nghiệp của mình.

Chuyện nghe có vẻ hơi “đao to, búa lớn”, nhưng quả thực, đã không ít các gia đình có con trẻ bước vào THPT, bước vào đại học, cao đẳng lo lắng, băn khoăn. Những cuộc xét tuyển, thi tuyển vào các trường THPT từ thành phố đến thôn quê đều khá căng thẳng. Ai cũng mong con mình được học trường tốt, có thầy cô tốt. Rồi khi vào trường thì học ban nào, tự nhiên hay xã hội? Nào những lớp chọn, lớp chuyên? Làm sao để con trẻ phát huy được khả năng, sở trường của mình.

Năm nay việc thi vào đại học, cao đẳng đã có cải tiến, đổi mới. Với những quy định mới, gia đình và các em học sinh có thêm nhiều cơ hội để chọn lựa. Đồng thời với đó, không ít trường cao đẳng đứng ngồi không yên lo không tuyển đủ học sinh. Cũng không ít khoa ở nhiều trường đại học lo chất lượng, lo số lượng sinh viên không đảm bảo...

Một vấn đề đặt ra khiến nhiều bậc ông bà, cha mẹ lo lắng, rồi đây các em học ra trường sẽ đi về đâu, làm gì? Theo Bộ LĐTB&XH, trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước có 1.159.800 người thất nghiệp, tăng 114.200 người so với cùng kỳ.

Đặc biệt, số người tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp gia tăng, từ 165.600 người đã lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người. Khỏi phải bàn về 726.100 người không có bằng cấp, chứng chỉ đang thất nghiệp.

Tiếp đó, theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2020 sẽ phải tinh giảm biên chế khoảng 100.000 công chức. Mỗi năm lại có khoảng 400.000 sinh viên trình độ đại học, trên đại học ra trường.

Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, hàng năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp bị thua lỗ, giải thể. Có được một chỗ đứng, việc làm, thu nhập ổn định cho con mình vẫn sẽ là bài toán của nhiều gia đình, chưa nói đến ước mơ làm giàu, trở thành các nhà doanh nghiệp, lãnh đạo tên tuổi...

Nhìn về mặt bằng chung là vậy, nhưng chuyện rằng “chỗ thiếu vẫn thiếu, nơi thừa vẫn thừa”. Cái thiếu là thiếu người làm được việc. Trên mọi diễn đàn, câu chuyện về tỉ lệ 30% công chức, cán bộ không làm được việc cũng là một thực tế. Mọi cơ quan, đơn vị, vẫn có một số trường hợp, có cũng được, không có cũng không sao. Một công việc, bình thường vẫn ba người làm, nhưng có thể chỉ một cán bộ chuyên môn giỏi, có trách nhiệm lại được thực hiện tốt hơn, trôi chảy hơn.

Cơ chế thị trường, xã hội hiện đại, yêu cầu cao về chất lượng công việc cũng như tính cạnh tranh. Những năm tới đây, cùng với sự phát triển của đất nước và khu vực, yêu cầu về hội nhập quốc tế, yêu cầu lao động chất lượng cao sẽ rất lớn. Nói như vậy để thấy rằng, cơ hội để có được việc làm, việc làm tốt vẫn rộng mở cho mọi đối tượng, mọi lĩnh vực.

Sẽ đến lúc từ yêu cầu tồn tại, phát triển, người ta không thể chọn những người làm việc từ quan hệ thân quen, con ông nọ, bà kia hay từ sự chạy chọt bằng phong bì. Đến lúc, trong guồng máy công nghiệp, xã hội phát triển, mỗi cá thể là một mắt xích, người ta không thể chấp nhận những mắt xích yếu kém, thừa ra.

Chuyện thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn là thừa không chỉ là câu chuyện của mỗi cơ quan đơn vị mà đang là vấn đề của cả xã hội. Hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ, cả tiến sĩ… thất nghiệp, nhưng không ít các đợt tuyển chọn của nhiều doanh nghiệp không tuyển đủ, tuyển được người làm việc. Chất lượng đào tạo cùng năng lực mỗi cá nhân đều có vấn đề, không thể đáp ứng yêu cầu. Không ít doanh nghiệp nhận người, sau đó phải đào tạo lại.

Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, trong số hơn 53 triệu lao động chỉ có hơn 25 triệu lao động có chuyên môn, kỹ thuật. Trong số 25 triệu lao động này lại có tới hơn 15 triệu công nhân, người lao động không có bằng cấp, chứng chỉ.

Theo đánh giá chung, năng suất lao động của Việt Nam vẫn vào diện thấp nhất trong khu vực. Đây là thách thức khi bước vào hội nhập. Cơ hội rộng mở, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cao.

Như ông Yoshiteru Uramoto Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết đến năm 2025, “nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh ở mức 28%. Tuy nhiên, với những lao động thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sẽ không thể nắm bắt được cơ hội”.

Trong xu thế phát triển, thực tế, quan niệm “học để làm quan” xưa nay, đã buộc phải thay đổi. Không ít những kỹ sư, thạc sĩ về với đồng quê lập nghiệp, tìm cơ hội cho chính mình. Việc đào tạo “thừa thầy thiếu thợ” cũng phải tự chuyển đổi. Nhiều cử nhân, thạc sĩ cũng phải buộc đi tìm việc, học nghề, để mưu sinh, để có chỗ đứng.

Việc đổi mới giáo dục, đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết. Và do vậy, với mỗi cá nhân, không phải học ở đâu, học trường nào mà là phải học như thế nào? Mấy chục tiết học lý thuyết cho một môn tại đại học, cao đẳng đã là ít, nhưng nếu với cách truyền thụ nửa vời, sinh viên, học viên học chỉ để có tên, hiểu không đến nơi, đến chốn thì chẳng có gì mà thu hoạch.

Đành rằng, quá trình ra trường, thực tế sau đó mới là trường đại học, môi trường đào tạo đích thực, tuy nhiên yêu cầu xã hội, yêu cầu phát triển sẽ không chờ đợi.

Kiên Long