Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp
Ngày 29/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Kinh tế quý II năm 2015: Chuyển biến cơ hội và chính sách. Cuộc hội thảo nhằm điểm lại tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, từ đó thảo luận những điểm nghẽn với những diễn biến thực tế cũng như khuyến nghị chính sách cho thời gian tới.
Tăng sức cạnh tranh hơn để nâng cao vị thế.
Cần tập trung vào các mặt hàng chiến lược
Chúng ta phải có một đánh giá thẳng thắn, mổ xẻ lại, nhìn thẳng vào sự thật tình hình kinh tế xã hội. Nhìn thẳng vào cái yếu kém, trậc khấc thì mới có thể khắc phục đổi mới đưa nền kinh tế sáng hơn được – Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ. |
Nhìn vào các kỳ tích nền kinh tế đạt được trong 2 quý đầu năm với tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 6,28% dễ thấy tăng trưởng đang đi lên từ đáy nhưng liệu đà tăng trưởng có được tiếp tục? Ông Lê Xuân Bá (nguyên Viện trưởng CIEM) không ngại đánh giá, kinh tế quý III và quý IV của năm tài chính 2015 hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình thực hiện tái cơ cấu.
Tuy nhiên thực tế đang cho thấy quá trình cải cách này đang bị phê là chậm. Mặc dù chúng ta muốn quá trình tái cơ cấu này khác đi cũng rất khó, muốn làm nhanh mạnh thì bắt buộc phải có đột phá, khác người mà qua trọng nhất là chấp nhận trả giá. Song lại có chuyện, vừa muốn đẩy mạnh tái cơ cấu nhưng không chấp nhận trả giá do vậy rất khó thành công.
Theo báo cáo của CIEM, triển vọng kinh tế vĩ mô quý III-2015 được dự báo tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm 2014 đạt mức 6,42%; CPI so với cuối quý 1-2015 là 0,92%. Nhìn rộng ra bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2015 được dự báo: GDP tăng trưởng 6,2%; tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%; nhập siêu chiếm 5% và CPI tăng tối đa 5%; tổng vốn đầu tư/GDP chiếm khoảng 30 – 32%.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng cả nền kinh tế sẽ phải cố gắng trong khó khăn. Không đơn giản cứ hội nhập đi lên, nếu như không ưu tiên cao cho tái cơ cấu ngân hàng thương mại, ổn định lạm phát, tỷ giá; xây dựng kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn, cân nhắc khống chế thâm hụt ngân sách…
Phân tích của TS Cung cho thấy, trong tăng trưởng, công nghiệp- xây dựng là điểm sáng chính, dẫn dắt tăng trưởng. Hoạt động sản xuất công nghiệp (PMI) vẫn rất tích cực. Lạm phát ổn định ở mức thấp, 0,65% trong quý II, nhưng khó khăn vẫn tồn tại đó là lãi suất khó giảm, dẫn đến DN vẫn khó khăn. Đặc biệt xuất khẩu sau 2 năm thặng dư thì 6 tháng đầu năm nay đã thâm hụt hơn 3 tỷ USD. Trong khi đó ở chiều ngược lại nhập khẩu tăng lên mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, con số tăng trưởng đã quan trọng, nhưng xu hướng tăng trưởng là trọng hơn. Nhìn xu hướng tăng trưởng, chúng ta thấy tăng trưởng GDP đang tăng lên từ mức đáy. Nhưng nhìn sang tiềm năng tăng trưởng, thì chúng ta thấy có vẻ đang đi xuống. Đó là nghịch lý.
Trước khi đưa ra những giải pháp cụ thể, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân tập trung vào những vấn đề đang nổi lên liên quan đến việc xuất khẩu các mặt hàng chiến lược như gạo, thủy sản đang tắc, sản phẩm chất lượng thấp. Cà phê chưa bao giờ sụt giá tới 30% như thời gian vừa qua. Nông nghiệp góp phần hỗ trợ đời sống của nông dân, ổn định vĩ mô nhưng chưa được làm tốt.
Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua vẫn đến từ khai thác tài nguyên và nhờ doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các cải cách rất chậm.
Chi phí tái cơ cấu đang đẩy sang doanh nghiệp
Áp lực hội nhập ngày càng lớn, bối cảnh hội nhập buộc doanh nghiệp phải được tăng sức cạnh tranh hơn để nâng cao vị thế. Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô – CIEM cho rằng, cần tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, phát triển nguồn lực; đồng thời, phân bổ lại nguồn lực trong toàn bộ nền kinh tế.
Trước thực tế cộng đồng DN khó khăn, số lượng DN đóng cửa giải thể vẫn nhiều, phần lớn các chuyên gia cho rằng, DN cần một hành động mạnh mẽ từ cơ quan quản lý. Gánh nặng lãi suất, tỷ giá đang làm hại nhiều mặt hàng xuất khẩu. Do vậy, có nên chăng cần thay đổi trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ?
Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ngày càng cao. Lãi suất cao là rào cản khiến DN không thể vay vốn. Có vẻ những chi phí tái cơ cấu ngân hàng đang đẩy sang một bên thứ ba là DN.
“Chúng ta vẫn duy trì quan điểm là ngân hàng phải kiểm soát được tỷ giá hối đoái, bởi nếu tăng tỷ giá thì khoản nợ nước ngoài quá cao. Nhưng cũng có một mặt là tỷ giá ổn định thì ngày càng vay nhiều, và hiện nay nợ ngày càng cao, vay càng nhiều?” ông Tú Anh băn khoăn
Việc điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD là cần thiết, song chính sách này vẫn không đủ để ổn định thị trường. Chính sách điều chỉnh tăng tỷ giá và lạm phát thấp cũng đang tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn. Về dài hạn, TS. Cung cho rằng điều hành tỷ giá và tiền tệ nói chung phải có thay đổi.