Sính ngoại
Chỉ cần sự cố về hóa chất bảo quản, nguyên liệu không rõ nguồn gốc… người tiêu dùng sẽ lập tức từ chối sản phẩm trong nước. Đáng buồn hơn sự cố lại liên tục xảy ra, cho nên thói quen sính ngoại của khách hàng đương nhiên tồn tại.
Mấy năm trước các cơ quan ban ngành bàn đến tâm lý sính ngoại trong tiêu dùng của người dân khá nhiều. Không ít ý kiến khẳng định, thói quen lựa chọn hàng ngoại nhập phần nào gây khó khăn cho thị trường trong nước, đặc biệt là sản phẩm Việt Nam. Nhằm hạn chế tình trạng người dân chạy theo hàng ngoại, chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ra đời.
Kết quả, sau thời gian đẩy mạnh thực hiện chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, các Bộ ngành đánh giá, tâm lý tiêu dùng của người dân chuyển biến đáng kể. Thói quen ưu tiên sử dụng một số hàng Việt “lên ngôi”. Tuy nhiên nhìn thẳng vào thực tế thấy rõ, tập quán mua sắm của người tiêu dùng chưa thật sự thay đổi rõ rệt. Tâm lý sính ngoại tiếp tục ngự trị trong thói quen hàng ngày.
Vì thế mới có chuyện người ta đua nhau dùng trái cây ngoại, mỹ phẩm ngoại, quần áo ngoại, xe ngoại… Người tiêu dùng có thể móc “hầu bao” tiêu dùng mỹ phẩm ngoại giá đắt đỏ gấp mấy chục lần giá mỹ phẩm Việt.
Điều này dễ nhận thấy hơn khi trung tuần tháng 7 cơ quan chức năng phối hợp bắt giữ hơn 10 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có ghi xuất xứ của Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc… Song qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện, hầu hết các mặt hàng mỹ phẩm có nhãn nước ngoài đều không phải hàng thật mà chủ yếu là hàng xuất xứ từ Trung Quốc hoặc sản phẩm được “chế tác” từ nguồn nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, đầu ra mỹ phẩm ngoại không rõ nguồn gốc đều được thị trường tiêu thụ hết. Như vậy chứng tỏ, thói quen tiêu dùng hàng ngoại mà cụ thể là mỹ phẩm ngoại trở nên khó bỏ đối với khách hàng.
Mê hàng ngoại, sính hàng ngoại, tin tưởng vào chất lượng hàng ngoại nên khách hàng dám bỏ 15 - 17 triệu đồng mua cái điện thoại nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, nhất quyết không mua điện thoại trong nước, có chức năng tương tự với giá khoảng 10 triệu đồng. Tương tự, người tiêu dùng trong nước có thể bỏ số tiền gấp đôi mua sữa ngoại, quần áo ngoại, xe ngoại…
Câu hỏi đặt ra, nguyên nhân do đâu mà người tiêu dùng lựa chọn hàng ngoại? Phải chăng có sự khác biệt giữa trình độ và công nghệ sản xuất trong và ngoài nước? Chưa hẳn là như vậy bởi nhiều DN trong nước đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhất của Nhật Bản, thậm chí là châu Âu. Ngoài ra, mong muốn có sự thông thoáng đầu ra cho sản phẩm DN trong nước còn chi nhiều cho hoạt động quảng cáo, hậu mãi. Song chỉ cần sự cố về hóa chất bảo quản, nguyên liệu không rõ nguồn gốc… người tiêu dùng sẽ lập tức từ chối. Đáng buồn hơn sự cố lại liên tục xảy ra, cho nên thói quen sính ngoại của khách hàng đương nhiên tồn tại.