Cần Thơ: Duy trì, nhân rộng các mô hình đào tạo hiệu quả
Việc xây dựng các mô hình dạy nghề và giải quyết việc làm bền vững cho lao động nông thôn (LĐNT), lao động đặc thù đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, giúp cho LĐNT thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Để đạt được mục tiêu đó nhiều quận, huyện của thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm thông qua việc duy trì và phát triển những mô hình đạt hiệu quả cũng như bám sát điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đan lát lục bình - một trong những mô hình được huyện Cờ Đỏ duy trì và nhân rộng.
Những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho LĐNT ở các quận, huyện thành phố Cần Thơ được chú trọng với nhiều ngành nghề hiệu quả được duy trì và nhân rộng như: Lái xe ôtô B2, đan lát lục bình, may công nghiệp, chăm sóc da, sản xuất lúa giống, sửa chữa điện thoại di động… qua đó, các học viên được trang bị những kiến thức nhất định để có thể tham gia sản xuất, tự tạo việc làm tại gia đình, làm việc tại các công ty, xí nghiệp, cơ sở…
Từ việc vận động nguồn kinh phí xã hội hóa thông qua các doanh nghiệp, mạnh thường quân và học viên, hơn 2 năm qua, Phòng Lao động thương binh và xã hội quận Cái Răng mở các lớp đào tạo lái xe ôtô, đã trở thành một trong những ngành nghề thu hút đông đảo học viên cũng như tạo được việc làm ổn định cho học viên sau khi ra trường.
Ông Ngô Tàu, Phó Trưởng phòng LĐ – TB&XH quận Cái Răng cho biết: “Mỗi năm, chỉ tiêu được phân bổ khoảng 10 lớp với 300 học viên gồm các ngành nghề như: Lái xe ôtô B2, trang điểm, may gia dụng, nề, hàn, cài đặt sửa chữa máy vi tính, trong đó lái xe ôtô B2, may gia dụng là những ngành nghề tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới ở phường Ba Láng, Tân Phú…Việc học lái xe các học viên sẽ được đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp thông qua việc ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp nên tỉ lệ lao động có việc làm luôn đứng ở mức từ 75 đến 80%”.
Là một hộ nghèo, tuy nhiên giờ đây có nguồn thu nhập ổn định gần chục triệu đồng mỗi tháng từ việc lái xe chở hàng thuê, anh Nguyễn Nhật Linh ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng tâm sự: “Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng được giới thiệu đi học lái xe và sau khi tốt nghiệp tôi đã có việc làm. Hơn 1 năm qua, dư được số tiền rồi đi vay thêm để mua chiếc xe tải chở mướn. Giờ đây, mỗi tháng có nguồn thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng, khoản nợ vay sắp trả xong”, anh Linh vui mừng.
Bên cạnh các mô hình dạy nghề nông nghiệp, các mô hình dạy nghề phi nông nghiệp cũng từng bước được triển khai có hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều LĐNT.
Huyện Cờ Đỏ có lực lượng lao động nông nhàn sau các vụ mùa rất lớn. Trong khi đó, trên địa bàn, cây lục bình dồi dào nhưng chưa được khai thác nhiều. Vì thế để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo công ăn việc làm cho LĐNT, đồng thời phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, huyện Cờ Đỏ phối hợp với công ty, chính quyền nhiều xã, thị trấn tổ chức các lớp dạy đan lát lục bình. Sau khi thành lập tổ đan lát lục bình đầu tiêu ở thị trấn Cờ Đỏ, sau đó được nhân rộng ra 3 điểm thì vừa qua một tổ mới được thành lập tại ấp 1 xã Thới Hưng.
Chị Trần Thị Mỹ Nhung, Giáo viên dạy nghề đan lát lục bình ở ấp 1 cho biết: “Sau 45 ngày đào tạo học viên thạo nghề. Trong quá trình học nghề, học viên có thu nhập ít nhất cũng 40 ngàn đến 50 ngàn đồng/ngày, giỏi nghề lên đến 100 ngàn từ việc làm ra sản phẩm tại chỗ hoặc mang về nhà”.
Ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm huyện Cờ Đỏ cho biết: “Việc học nghề đan lục bình học viên chỉ cần học 10 ngày là có thu nhập từ sản phẩm làm ra. Nguồn sản phẩm làm ra được các công ty đặt hàng bao tiêu. Qua đó cho thấy mô hình đan lát là một trong những mô hình thiết thực và hiệu quả và cần được nhân rộng trong thời gian tới”.
Quận Ninh Kiều - quận trung tâm của thành phố nên các nghề phục vụ cho việc phát triển kinh tế là các nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp như: Kết cườm, trang điểm, chăm sóc da, nail, sửa chữa điện thoại di động... Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Ninh Kiều, năm 2011, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, quận đã khai giảng lớp kết cườm đồng thời xây dựng được một mô hình thực hiện thí điểm ở phường An Phú tạo thành các sản phẩm như: Giỏ xách, tạo dáng bông hoa, thú bông,....
Mô hình này được nhân rộng ở phường An Khánh, An Nghiệp. Hiện nay, tiếp tục duy trì 3 nhóm với 36 thành viên tự sản xuất ra hàng hóa cung cấp cho thị trường trong, ngoài nước. Đến năm 2013, quận xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm dành cho 5 lớp với các ngành nghề như: Thiết kế đồ họa, chăm sóc da và lớp nail cho 153 học viên, sau đào tạo đưa vào làm việc tại các doanh nghiệp do Trung tâm dạy nghề liên kết. Hiện nay, đã có 101 học viên đi làm đúng theo nghề đã học.
Dạy lái xe ôtô là một mô hình được Phòng LĐ – TB&XH quận Cái Răng
thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Chị Phan Thị Kiều Oanh ở khu vực 5, phường An Khánh, quận Ninh Kiều đã có nguồn thu nhập ổn định với cửa tiệm làm đẹp. Chị cho biết: “Trước đây, do bận chăm sóc con nhỏ nên tôi không xin được việc làm. Từ ngày được Hội Liên hiệp phụ nữ vận động học nghề trang điểm miễn phí tôi có cơ hội tạo dựng công việc cho mình với nguồn thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng từ dịch vụ cắt tóc, hấp dầu, gội đầu, massage mặt, làm móng”.
Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ninh Kiều cho biết: “Năm 2015, quận được phân bổ 9 lớp nghề gồm: Làm móng, chăm sóc da, cắt và uốn tóc, sửa chữa điện thoại di động smartphonne, thiết kế quảng cáo đèn led, sửa xe gắn máy, may gia dụng, nấu ăn và pha chế. Sau 5 năm thực hiện, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ khoảng 75% - 80%.
Thực tế cho thấy, việc nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả nhiều hộ đã thoát nghèo, có hộ trở nên khá giả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và tạo thêm nhiều chuyển biến tích cực cho người lao động sau học nghề.