Anh-Pháp đối mặt với làn sóng di cư khổng lồ

Khánh Duy 30/07/2015 08:00

Cuộc khủng hoảng di cư đang bao trùm khắp châu Âu dường như đã lan tới nước Anh sau khi hơn 2.000 người di cư tìm cách vào lãnh thổ nước này từ một đường hầm qua eo biển Manche nối giữa Anh và Pháp.

Dòng người di cư luôn tìm cơ hội băng qua đường hầm
thông qua eo biển Manche để đến Anh. (Nguồn: Reuters).

Đây là con số người di cư trái phép từ Pháp sang Anh cao kỷ lục trong suốt khoảng thời gian một tháng rưỡi qua. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, trong chuyến công du đến London để thảo luận về vấn đề di cư, đã xác nhận con số người di cư trái phép nói trên: “Một số người đã bị bắt giữ, số còn lại đã được giải tán một cách trật tự”.

Đến cuối ngày 28/7, sự tĩnh lặng đã trở lại với đường hầm của Hãng Eurotunnel, nơi mà hàng trăm người di cư trái phép lúc nào cũng chờ đợi thời cơ để băng qua. Những tuần gần đây, lượng người tìm cách trốn sang Anh qua đường hầm của Eurotunnel đã tăng đột biến.

Hồi đầu tháng Sáu vừa qua, 8 người di cư bất hợp pháp đã thiệt mạng bên trong đường hầm hoặc trên đường đi về phía đường hầm Channel. Lực lượng an ninh ở cảng Calais cũng cho biết họ đã phải thắt chặt an ninh sau sự kiện này, ngăn chặn nhiều đoàn người di cư cố gắng thử vận may của mình bằng cách dùng phà hoặc xe tải để đến được lãnh thổ nước Anh.

Theo một người phát ngôn của Hãng Eurotunnel, những người di cư với số lượng đỉnh điểm vừa qua đã cố gắng băng qua đường hầm của họ vào khoảng “từ giữa đêm đến 6 giờ sáng”. Hãng này đã phải huy động toàn bộ lực lượng an ninh gồm 200 người của mình cùng lực lượng cảnh sát để giải tán những người này.

Sự việc đã gây nên sự tắc nghẽn nghiêm trọng đối với đường hầm của Hãng Eurotunnel trong suốt hôm thứ Ba, khi những hành khách phía Anh phải chờ hơn một tiếng mới có thể băng qua đường hầm này.

Kể từ hồi tháng Sáu vừa qua, khu vực cảng Calais của Pháp gần như trong tình trạng đóng cửa hoàn toàn do tranh chấp giữa đội ngũ điều hành phà MyFerryLink và Hãng Eurotunnel. Rất nhiều người di cư ở khu vực này cố gắng lợi dụng tuyến đường bận rộn này để bắt một chiếc xe tải và đi thẳng đến cảng Calais.

Theo con số thống kê mới nhất công bố hồi đầu tháng Bảy, khoảng 3.000 người di cư trái pháp, chủ yếu đến từ Ethiopia, Eritrea, Suddan và Afghanistan... đã đến cắm trại ở cảng Calais, chờ thời cơ sang Anh. Cũng từ đầu tháng tới nay, theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp, khoảng 4.500 người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche đã bị cảnh sát và lực lượng an ninh giải tán - theo Bộ trưởng Cazeneuve.

Ông Cazeneuve hiện đã có mặt ở thủ đô London của nước Anh để thảo luận với người đồng cấp Theresa May về biện pháp ngăn chặn làn sóng di cư trái phép vốn đã trở thành vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước suốt nhiều năm nay.

Tính đến nay, nước Anh đã chi khoảng 4,7 triệu Euro (5,2 triệu USD) để xây dựng các rào chắn an ninh nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư từ Pháp tràn sang. Các rào chắn này dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng trong tháng Tám tới. Bà May cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ chi thêm khoảng 9,8 triệu Euro để hỗ trợ phía Pháp trong việc đảm bảo an ninh tại khu vực đường hầm của Eurotunnel.

Về phần mình, Hãng Eurotunnel đã yêu cầu hai Chính phủ Anh và Pháp trả lại khoản tiền gần 10 triệu Euro (11 triệu USD) mà Hãng này phải chi cho hoạt động tăng cường an ninh để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại cảng Calais.

Tuy nhiên, Hãng này đã bị Chính phủ Pháp chỉ trích do không nỗ lực để đối phó với nạn di cư trái phép. Ông Cazeneuve phê phán Eurotunnel đã giảm bớt 1/3 số nhân viên an ninh từ năm 2002 trong khi phía Pháp đã tăng lực lượng đảm bảo an ninh lên gấp năm lần trong cùng thời gian, với 350 cảnh sát hiện diện mỗi ngày trên vùng biên giới giáp Anh ở eo biển Manche.

Khánh Duy