Cần nhiều nguồn lực đầu tư cho Cao Bằng
Ngày 30/7, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo MTTQ tỉnh, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Cao Bằng.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim
phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng
Báo cáo về tình hình các tầng lớp nhân dân tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình sản xuất, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền. Công tác dân tộc, các chính sách dân tộc được tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, đã tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nảy sinh trong đồng bào các dân tộc được quan tâm giải quyết. Khối đại đoàn kết tiếp tục được tăng cường và củng cố, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đồng bào các dân tộc yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, sự biến động của giá cả thị trường, việc ép giá các mặt hàng nông sản, vấn đề đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là giá điện sinh hoạt tăng cao trong thời gian vừa qua… làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, nhất là những người có thu nhập thấp, các hộ nghèo. Cùng với đó nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí nhà nước cấp hàng năm còn hạn chế, điều kiện cuộc sống của nhân dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện còn nhiều vướng mắc như tiêu chí giao thông, tiêu chí môi trường. Đến nay Cao Bằng chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí, chỉ có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 10 xã đạt 10-14 tiêu chí, 93 xã đạt 5-9 tiêu chí, 73 xã đạt 1- 4 tiêu chí.
Cũng theo Bà Thúy An tình hình công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê trên 5.000 lượt người khiến dư luận nhân dân lo lắng. Đây cũng là vấn đề cần được các cấp ủy, chính quyền tập trung bàn giải pháp khắc phục.
Tại buổi làm việc, Đoàn Chủ tịch, đại diện MTTQ, các Ban ngành, đoàn thể đã trao đổi về những hạn chế, khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Theo các đại biểu do nhận thức của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đa số đồng bào sống ở nhiều khó khăn vùng cao là đối tượng người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu kiến thức và kinh nghiệm phát triển kinh tế, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đồng bào các dân tộc sống phân tán, rải rác theo các sườn núi, không tập trung. Trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất lạc hậu … ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các chương trình, chính sách và dự án
Từ thực tế địa phương, đại diện MTTQ các Ban ngành đoàn thể tỉnh Cao Bằng đề nghị MTTQ Việt Nam quan tâm, có ý kiến đề xuất với Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Cao Bằng. Cụ thể là đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn liên xóm, liên xã, hệ thống kênh mương thủy lợi, trường lớp, trạm y tế xã, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tuyến cơ sở, đặc biệt là vùng sâu vùng xa; quan tâm đầu tư các Dự án phát triển kinh tế, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; Tăng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho Cao Bằng, phân bổ nguồn lực ưu tiên cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới để phát triển đồng đều giữa các vùng. Đặc biệt cần ưu tiên phân bổ kinh phí các Chương trình phục vụ cho công tác tuyên tuyền phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, phòng chống TNXH, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế về trình độ, nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu....
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim khẳng định, việc tiếp xúc các tầng lớp nhân dân nhằm cụ thể hóa hai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Điều 9 Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chính từ đó Mặt trận phải tăng cường sự lắng nghe ý kiến của nhân dân để nói lên tiếng nói phản biện và giám sát. Do vậy, đây là lần đầu tiên, Mặt trận đi tiếp xúc các tầng lớp nhân dân ở Bắc Kạn, Cao Bằng với mục đích lắng nghe tiếng nói chân thành của nhân dân từ đó kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước.
Đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Cao Bằng dù xuất phát điểm khó khăn những đã vượt khó tự lực cánh sinh, tìm ra con đường giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng trên cơ sở giữ vững nền tảng cơ cấu kinh tế cần quan tâm phát triển kinh tế xã hội đối với các xã vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, quan tâm việc xây dựng nông thôn mới để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, cùng với đó triển khai nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, quan tâm làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, đảm bảo giữ vững ổn định an ninh biên giới…