ĐBSCL: Tìm giải pháp để ngành cá tra phát triển bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về thủy sản, hàng năm đóng góp trên 56% sản lượng và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong đó ngành hàng cá tra năm 2014 đạt giá trị 1,76 tỉ USD, chiếm 22,56% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, trở thành ngành kinh tế chiến lược và sản phẩm quốc gia.
Thu hoạch cá
Đến cuối năm 2014, diện tích nuôi cá tra khu vực ĐBSCL ước đạt 5.500 ha, sản lượng 1.116 ngàn tấn. Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long,… chiếm khoảng 85% tổng diện tích và sản lượng cá tra của ĐBSCL. Nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đã trở thành ngành kinh tế chiến lược, thu hút trên 200.000 lao động, hơn 70 cơ sở chế biến phi lê cá tra đông lạnh, đóng góp lớn cho phát triển ngành thuỷ sản nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói riêng. Theo Tổng cục thủy sản và chi cục thủy sản các tỉnh ĐBSCL, đến ngày 19/07/2015, lũy kế diện tích nuôi thả mới cá tra là 2.204 ha (tăng 2,01% so với cùng kỳ 2014) và diện tích thu hoạch là 2.024 ha (giảm 2,18 % so với cùng kỳ năm 2014), sản lượng đạt 567.018 tấn (tăng 0,24% so với cùng kỳ năm 2014), với năng suất đạt trung bình khoảng 280 tấn/ha (so với năm 2014 là 274 tấn/ha). Tình hình sản xuất, xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm nay ổn định, diện tích và sản lượng tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng xuất khẩu giảm do khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn. Hộ nuôi treo ao, nhiều doanh nghiệp phá sản và gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ... Nguyên nhân là do tình trạng nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, thiếu liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, sự quản lý của chính quyền các cấp, của ngành trong quy hoạch vùng nuôi, chất lượng sản phẩm còn thả nổi trong thời gian dài đã dẫn đến mất cân đối cung – cầu, làm suy giảm lợi nhuận của người nuôi, khó khăn trong tái đầu tư vốn sản xuất và chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường thế giới.
Trước những khó khăn trên, ngày 29/4/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra; ngày 11/9/2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 3885 về phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020, xác định phát triển nuôi, chế biến cá tra của vùng thành ngành kinh tế quan trọng của thủy sản Việt Nam theo hướng công nghiệp và thân thiện môi trường. Các tỉnh, thành đã tăng cường công tác quản lý, quy hoạch lại vùng nuôi, đảm bảo nguồn giống tốt và sạch cho sản xuất, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả phát huy lợi thế của địa phương và theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Ngành ngân hàng cũng đã xem xét, bố trí tăng nguồn vốn cho ngành nuôi cá tra nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững ngành cá tra Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra, ngày 30-7-2015, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng vối Ban kinh tế Trung ương, Hiệp hội cá tra Việt Nam, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (CBNLTS&NM) tổ chức hội nghị bàn giải pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ cá tra. Tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý, doamh nghiệp cũng như hộ nuôi có cùng nhận định cần phải tổ chức lại sản xuất ngành cá tra theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng. Vai trò của nguồn vốn tín dụng có tác động quyết định đến việc đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phát triển bền vững ngành cá tra Việt Nam.
Ông Ngô Quang Tú, trưởng phòng chế biến, bảo quản thủy sản (Cục CBNLTS&NM) đề xuất giải pháp để nâng cao gía trị gia tăng trong chế biến, tiêu thụ cá tra là cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng; đầu tư thiết bị công nghệ chế biến phụ phẩm từ sản xuất chính để đa dạng hóa sản phẩm phụ từ đó khai thác triệt để nguồn guyên liệu cá tra góp phần nâng cao giá trị, giảm giá thành sản phẩm và bảo vệ môi trường. Về giải pháp thị trường, đẩy mạnh các họat động xúc tiến thương mại; giải quyết các vướng mắc về thị trường như: rào cản kỹ thuật , hàng rào thếu quan và phi thuế quan của các nước như Mỹ, EU, Nga,...; Tận dụng tốt cơ hội trong việc thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTAs, TPP) để đưa cá tra nâng lên tầm mới; xây dựng thương hiệu cá tra; đẩy mạnh quản bá hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường. Về cơ chế chính sách, triển khai thực hiện các nghị định, quyết định của Chính phủ, Bộ NN-PTNT về nuôi, chế biến, xuất khẩu cũng như các cơ chế, chính sách về đầu tư tín dụng hỗ trợ cho sản xuất giống, thức ăn, kiêm soát môi trường, dịch bệnh và chế bei61n xuất khẩu. Về định hướng đối với chế biến và tiêu thụ thủy sản, cần giảm chế biến thô và sơ chế; nhà máy chế biến phải có nguồn nguyên liệu ổn định bằng cách tự đầu tư nuôi cá hoặc phải liên kết với cơ sở nuôi; Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến, thương mại sản phẩm thủy sản.
Nói về chính sách tín dụng đối với ngành cá tra, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho rằng Ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của ngành cá tra nên đã chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn để cho vay nuôi cá tra, thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn thực hiện qui định cho phép tổ chức tín dụng được cho vay nba82ng ngoại tệ đối với một số lĩnh vực ư tiên;…. Khách hàng nuôi cá tra gặp khó khăn được giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất 7%/năm để tiếp tục sản xuất. Những trường hợp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh...) sẽ được khoanh nợ tối đa 03 năm, đồng thời tiếp tục được cho vay mới để phục hồi sản xuất.
Với các chính sách mới về tín dụng, dư nợ cho vay nuôi, thu mua, chế biến xuất khẩu cá tra tăng đều qua các năm với tỉ lệ tăng trưởng giai đoạn 2010-2014 đạt 15% và chiếm khỏang 45% tổng dư nợ cho vay thủy sản cả nước. Đến 30/6/2015, dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt khoảng 25.500 tỷ đồng, tăng 6,25% so với cuối năm 2014. Những tỉnh, thành phố có dư nợ cho vay nuôi, thu mua chế biến cá tra lớn là Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long. Hiện nay, NHNN đã phê duyệt cho 02 doanh nghiệp (Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty TNHH SXTMDV Thuận An) tại 02 tỉnh An Giang và Đồng Tháp thực hiện 02 dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra tham gia chương trình với tổng số tiền là 1.642 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đến nay đạt 1.346 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng số tiền cam kết cho vay. Việc thí điểm cho vay theo mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Riêng nhóm Công ty TNHH Hùng Cá: dư nợ cho vay đến 31/12/2014 là 1.045,86 tỷ đồng, đạt 74,33% hạn mức được phê duyệt. Ngoài ra, 306 hộ dân thực hiện mô hình liên kết nuôi: sản lượng cá dự kiến thu mua khi thu hoạch 240 tấn/ha/năm, lợi nhuận chia cho hộ dân ước tính 70 tỷ đồng/năm (theo đề án). Đối với 20 hộ dân thực hiện mô hình liên kết 3 bên (cung ứng thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật), lợi nhuận chia cho 20 hộ dân ước tính 29 tỷ đồng/năm.
Theo ông Lê Vĩnh tân, Phó tru7o37gn ban kinh tế Trung ương, để thực hiện thành công chiến lược tái cơ cấu ngành cá tra, cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản các chính sách và thực hiện các giải pháp chủ yếu như: đánh giá việc tổ chức thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ về chế biến và xuất khẩu cá tra, trên cơ sở đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, các đơn vị liên quan tiếp tục kiến nghị Chính phủ có các giải pháp quyết liệt hơn trong tái cấu trúc cá tra.
Sau một năm triển khai, chương trình cho vay thí điểm đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ.