Người nhà đấu giá viên không được tham gia đấu giá

T.Dương 31/07/2015 06:10

Hiện nay nhiều quy định về bán đấu giá tài sản khiến người dân thua thiệt, doanh nghiệp ngán ngẩm bởi việc bán đấu giá các tài sản hiện được thực hiện theo quy định của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Chính vì vậy Bộ Tư pháp đã soạn thảo Luật Đấu giá tài sản để khắc phục những bất cập trên. Theo đó, Dự thảo Luật được bổ sung phương thức bán đấu giá bằng bỏ phiếu, và nộp khoản tiền đặt trước trực tiếp cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Q

Người nhà đấu giá viên không được tham gia đấu giá

Hà Nội đã bán đấu giá gỗ từ những cây bị chặt.

Ảnh: T.L.

Nộp tiền đặt trước

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản gồm 7 chương, 77 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định về đấu giá viên, doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại, thì dự thảo cũng quy định, đấu giá tài sản phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan; cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành; thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định.

Vấn đề được đặt ra là làm sao để việc đấu giá tài sản được công khai, minh bạch, khách quan, theo Bộ Tư pháp, bên cạnh hình thức nộp khoản tiền đặt trước trực tiếp cho tổ chức bán đấu giá tài sản, cần bổ sung hình thức nộp vào tài khoản tạm giữ tại ngân hàng nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người đăng ký tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá sau này.

Ông Lê Anh Linh, Giám đốc Công ty cổ phần đấu giá Bắc Trung Nam cho rằng, để tránh các tiêu cực có thể phát sinh cần đưa ra quy định thu tiền đặt trước trước 3 ngày. Trường hợp người tham gia đấu giá không trúng, thì ngân hàng phải là cơ quan trung gian, có trách nhiệm bảo lãnh, trả lại tiền cho họ sau 2 ngày. “Điều này không những ngăn chặn tình trạng tùy tiện trong quản lý, sử dụng tiền đặt trước mà còn giúp người tham gia đấu giá yên tâm vì quyền lợi của họ được bảo đảm”-ông Linh bày tỏ.

Theo đánh giá của ông Quản Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đấu giá quốc gia số 5, thì cần thiết phải quy định rõ trong luật để buộc phải thực thi và tuân thủ điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho doanh nghiệp đấu giá. Qua đó sẽ loại bớt các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng vẫn hoạt động đấu giá. Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp, quy định việc xử lý khoản tiền đặt trước đối với từng trường hợp cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản.

Bán đấu giá bằng bỏ phiếu

Đáng chú ý, nhằm minh bạch hóa quá trình đấu giá tài sản, khắc phục tình trạng những người tham gia đấu giá liên kết với nhau để thông đồng, Dự thảo Luật bổ sung phương thức bán đấu giá bằng bỏ phiếu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung hình thức đấu giá tài sản theo phương thức đặt giá xuống. Theo đó, phương thức đặt giá xuống áp dụng đối với đấu giá tài sản của tổ chức, cá nhân tự nguyện xử lý tài sản của mình bằng hình thức đấu giá, tạo cơ chế thu hút tổ chức cá nhân sử dụng hình thức đấu giá tài sản để xử lý tài sản của mình.

Ông Nguyễn Hồng Hải, đặt vấn đề, trong trường hợp có nhiều người trả cùng một mức giá thì ai sẽ là người trúng đấu giá? Vì thế nên chăng quy định đến một thời điểm nào đấy người đặt giá thấp nhất là người trúng đấu giá, kể cả họ trả bằng giá khởi điểm. Đặc biệt ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá chung, Dự thảo quy định trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá như: người làm việc trong tổ chức đấu giá thực hiện cuộc đấu giá đó; cha, mẹ, vợ, chồng, con của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; người được chủ sở hữu ủy quyền xử lý tài sản.

T.Dương