Lập khống diện tích đất, “moi” tiền đền bù?
Dù không có m2 đất nào bị thu hồi nhưng gia đình bà Bùi Thị Mai cũng được Ban GPMB huyện Gia Viễn và UBND xã Gia Hưng gọi lên nhận tiền đền bù hơn 100 triệu đồng (tương đương 925 m2 đất một lúa (L1) bị “thu hồi”); nhận xong đem nộp lại cho UBND xã và gia đình được trích lại 10 triệu đồng.
Năm 2008, UBND tỉnh Ninh Bình ký Quyết định 2482/ QĐ-UBND, phê duyệt Dự án Nạo vét tuyến thoát lũ Đầm Cút và mở rộng cửa thoát lũ Mai Phương- Địch Lộng, thuộc địa bàn xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, với tổng chi phí khái toán đầu tư trên 198,6 tỷ đồng, do Sở NN& PTNT Ninh Bình làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án trong 5 năm (2008-2012). Năm 2010, Dự án được điều chỉnh, bổ sung, nâng tổng mức khái toán đầu tư xây dựng, lắp đặt, đền bù GPMB lên hơn 330,3 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 29/12/2010, UBND huyện Gia Viễn ký Quyết định 1227/QĐ-UBND, thu hồi 116.581m2 đất nông nghiệp của 295 hộ dân thuộc xã Gia Hưng, trong đó có 112.647m2 đất 1 lúa (L1) và 3.934.4 m2 “đất mượn” để thi công. Ngày 30/12/2010, UBND huyện Gia Viễn ký tiếp Quyết định 1231/QĐ-UBND, phê duyệt Phương án đền bù GPMB, với tổng số tiền hơn 13,1 tỷ đồng. Ngày 7/1/2011, Ban GPMB huyện tiến hành tổ chức chi trả 12,8 tỷ đồng (chiếm 97,7% so với phương án đền bù) cho các hộ dân có đất bị thu hồi giao cho Dự án.
Tuy nhiên, quá trình chi trả, đã phát sinh những dấu hiệu… không bình thường. Theo phản ánh của một số hộ dân, khi nhận tiền đền bù, đã phát hiện diện tích đất của gia đình bị thu hồi theo danh sách ký nhận tiền đền bù cho UBND xã Gia Hưng và Ban GPMB huyện Gia Viễn lập… “vênh” rất nhiều so với diện tích đất thực của gia đình. Thậm chí, nhiều hộ gia đình không bị thu hồi đất, giao cho dự án, vẫn có tên trong danh sách nhận tiền đền bù.
Điều đáng nói là, người dân phản ánh: UBND xã Gia Hưng và Ban GPMB huyện Gia Viễn đã “thông đồng” với nhau, đưa khống một số diện tích đất 5% (do xã quản lý) vào danh sách diện tích đất nông nghiệp của các hộ bị thu hồi, giao cho Dự án để lấy tiền đền bù. Khi các hộ dân chất vấn thì được cán bộ địa phương giải thích: Xã “mượn” đứng tên để ký nhận tiền sau đó sẽ trích 10% cho mỗi hộ.
Ví như hộ gia đình bà Đỗ Thị Việt (xóm 2, xã Gia Hưng), phản ánh: “Không chỉ gia đình bà được UBND xã “nhờ” đứng tên để nhận tiền đền bù cho xã mà nhiều hộ gia đình trong xã cũng được UBND xã “ nhờ” như vậy”.
Bà Bùi Thị Mai (cùng xóm với bà Việt), cho biết: “Năm 2010, Ban GPMB huyện và UBND xã gọi lên nhận tiền đền bù hơn 100 triệu đồng (tương đương 925 m2 đất một lúa (L1) bị “thu hồi”); nhận xong đem nộp lại cho UBND xã và gia đình được trích lại 10 triệu đồng”. Bà Mai còn khẳng định: “Gia đình không có một m2 đất nào bị thu hồi, giao cho Dự án UBND xã tự đưa gia đình hộ dân vào danh sách và “nhờ” đứng tên ký nhận “hộ” tiền đền bù”…
Giải thích với báo giới về hành vi “mượn gió bẻ măng” để “moi” tiền trong thu hồi đất, đền bù GPMB Dự án nạo vét tuyến thoát lũ Đầm Cút mở rộng cửa thoát lũ Mai Phương - Địch Lộng tại xã Gia Hưng, đại diện lãnh đạo UBND xã cho rằng: Đây là những tồn tại của lãnh đạo khóa trước để lại … Diện tích đất lập khống và số tiền đền bù đã lấy chưa xác định được”. Ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn (Trưởng Ban GPMB) thì cho rằng: “Sẽ cho kiểm tra và xác minh lại (?) nội dung người dân phản ánh”.
Rất mong lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sớm chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.