Mập mờ huy động tiền xây dựng đường điện ở xã vùng xa Ea Tam (Đắk Lắk)
Từ nguyện vọng muốn có điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng), một số cá nhân, cán bộ thôn đã đứng ra tổ chức huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường điện. Tuy nhiên việc thu-chi tùy tiện, không công khai minh bạch, cán bộ thôn còn lập danh sách khống, giả mạo chữ ký khiến cho hàng trăm hộ dân vô cùng bức xúc.
Nhiều hộ dân thôn Tam Phương 1 bức xúc trước những việc làm khuất tất
trong huy động tiền của ông Phó trưởng thôn.
Xã Ea Tam là xã vùng xa của tỉnh Đắk Lắk được thành lập năm 1989 với hơn 10.000 dân trong đó đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc chủ yếu người Tày, Nùng, Dao… chiếm 84% dân số toàn xã. Do di dân theo chương trình kinh tế mới nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi mỏi mòn chờ điện lưới, để có điện sinh hoạt, phục vụ sản xuất người dân đã đồng ý đóng góp tiền để xây dựng đường điện. Thế nhưng ở mỗi thôn, người đứng ra vận động tự ý đặt mức thu tiền khác nhau.
Cụ thể, tại thôn Tam Phương 1, ông Trần Ngọc Luận -Thôn phó thôn Tam Phương 1 đã huy động người dân đóng trên 1,3 tỷ đồng. Để kéo điện tới nhà và rẫy mỗi hộ dân phải đóng 11.890.000 đồng/1ha. Hộ nào có diện tích canh tác nhiều thì cứ thế nhân lên.
Ông Đàm Duy Sâm một người dân thôn Tam Phương chia sẻ: “Hơn 120 hộ trong thôn chúng tôi sau khi nghe ông Luận nói đã đồng ý đóng tiền, tuy nhiên họ thu không rõ ràng và có những hộ thắp sáng họ cũng lấy cả mấy triệu bạc nhưng không có giấy tờ gì. Không chỉ bắt chúng tôi đóng tiền kéo điện mà phí lắp đặt công tơ điện, ông Luận cũng bắt chúng tôi đóng thêm 26.400.000 đồng. Họ cứ làm nhập nhằng nên người dân chúng tôi chẳng biết đường nào mà lần”.
Là người có hộ khẩu ở huyện Krông Ana, sang mua đất ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng làm rẫy, ông Võ Tấn Nam khi biết được nhu cầu cần điện của người dân các thôn Tam Liên, Tam Thành và Tam Phương 2 đã tổ chức họp dân và đưa ra chủ trương kéo điện ba pha phục vụ sản xuất, thắp sáng. Vậy là từ tháng 9/2012 đến tháng 12/2012 sau hơn 3 tháng, đường dây điện gồm có điện trung thế 1,5 km, trạm biến áp, hệ thống lưới điện hạ thế đã được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Thế nhưng do điện quá yếu nên người dân không thể sử dụng, nhiều thiết bị máy bơm, nồi cơm, tủ lạnh, ti vi… của người dân bị cháy hỏng thường xuyên.
Ông Đàm Ngọc Oanh, Trưởng ban Mặt trận thôn Tam Thành cho biết: “Để kéo được điện về nhà và rẫy sản xuất, ông Nam thu mỗi hộ ở thôn Tam Liên là 13,5 triệu đồng/ha cà phê, còn tại các thôn Tam Thành, Tam Phương 2 là 12,5 triệu đồng/ha cà phê. Ngoài ra nhiều hộ đến sau muốn mắc điện thì phải đóng tiền theo quy định của ông Nam mới được sử dụng”.
Ông Phạm Quang Thiều người dân thôn Tam Thành bức xức: “Sau khi ông Nam hô hào đóng tiền làm đường dây điện xong thì ông này cũng bán rẫy và chuyển đi nơi khác sinh sống. Bao nhiêu tiền bạc của dân đóng góp giờ chẳng thấy công khai là đã làm những gì. Họ nói thu một đường nhưng ghi số tiền một nẻo, chúng tôi thắc mắc thì không được trả lời cụ thể. Giờ tiền họ lấy, điện thì sử dụng yếu người dân chúng tôi chẳng biết kêu ai mà có kêu chẳng thấy cơ quan chức năng nào giải quyết”.
Cũng theo phản ánh của người dân tại thôn Tam Phương 1, Tam Liên, Tam Thành và Tam Phương 2, từ tháng 9 đến 12-2012 đến nay những người thu tiền chưa công khai tổng thu, tổng chi; không công khai đơn giá các hạng mục công trình, vật tư mà khuất tất còn thể hiện ở chỗ trong danh sách thu tiền đều kê khai số tiền huy động của dân thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà người dân thực nộp.
Cụ thể, trong danh sách thu tiền đóng góp xây dựng đường điện các hộ dân đều bị ghi sai như: Hộ ông Gia Tiến Huấn có 1,4 ha cà phê nộp 17 triệu nhưng danh sách chỉ ghi 9,08 triệu đồng; ông Trương Văn Lùng có 2 ha phải nộp 25,6 triệu đồng nhưng chỉ ghi 12,4 triệu đồng; hộ Hứa Văn Hùng nộp 13,5 triệu đồng, chỉ kê 6,2 triệu đồng; hộ Trương Văn Lùng nộp 25,6 triệu đồng, chỉ kê 12,4 triệu đồng; hộ Đàm Ngọc Oanh nộp 11 triệu đồng, nhưng chỉ kê trong danh sách là 6,2 triệu đồng ...
Sau khi người dân kiến nghị làm rõ sai phạm xung quanh việc huy động tiền xây dựng công trình điện, ông Nam đã bán rẫy cà phê, không còn sản xuất tại xã Ea Tam. Đến nay, việc bàn giao hồ sơ để chuyển công trình lưới điện cho ngành điện quản lý cũng chưa thực hiện được.