HĐND TP Hồ Chí Minh: Bức xúc án tạm đình chỉ tăng cao
Án tạm đình chỉ chiếm tỷ lệ cao, chậm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đan xen trong khu dân cư là hai vấn đề được đại biểu HĐND TP. HCM đặt ra trong phiên chất vấn ngày 30 – 7 tại kỳ họp lần thứ 18, HĐND TP HCM khóa VIII.
Có hay không áp lực thi đua?
Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP HCM cho hay, hiện thành phố còn khoảng trên 2.000 án tạm đình chỉ. TAND thành phố sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện của thẩm phán về án tạm đình chỉ, đồng thời giám sát án tạm đình chỉ tại 24 quận - huyện để thực hiện đúng với chỉ đạo.
Bức xúc vì sự chậm trễ trong giải quyết vụ việc cho người dân, đại biểu Trần Trọng Dũng cho biết, trong đợt giám sát của HĐND thành phố về kết quả xét xử các vụ án dân sự tại quận Bình Tân, Chánh án TAND quận này khẳng định, năm 2014 trong tổng số 65 vụ án dân sự của Bình Tân thì có đến 58 vụ rơi vào tình trạng tạm đình chỉ dịp tháng 8, tháng 9. Cá biệt, có ngày có 7 đến 8 vụ bị đình chỉ.
Chánh án TAND quận Bình Tân khẳng định với đoàn giám sát, đình chỉ xét xử là do áp lực thi đua, chạy theo thành tích. Đại biểu Trần Trọng Dũng, đề nghị Chánh án TAND quận Bình Tân nói lại vấn đề này.
“Không có chuyện người dân đi nộp đơn cùng một lúc trong tháng 1 hàng năm. Vì sao có sự trùng hợp tạm đình chỉ ở các tháng thi đua. TAND quận - huyện có bị áp lực về thi đua không, có nhận được sự chỉ đạo không?” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM chất vấn.
Ông Lê Quang Phong, Phó Chánh án TAND quận Bình Tân khẳng định: “Không có sự chỉ đạo từ bên trên. Án được đình chỉ vào tháng 8 và tháng 9 có phần là do có áp lực thi đua, song TAND thực hiện đúng quy định. Bởi vì, nếu không đúng quy định sẽ có kháng cáo của các đơn vị liên quan”.
Mọi băn khoăn của đại biểu không được lý giải rõ ràng về áp lực thi đua trong xét xử dẫn đến án tạm đình chỉ tăng cao. Chính vì lẽ đó mà đại biểu Trần Trọng Dũng đề nghị TAND thành phố kiểm tra lại các án tạm đình chỉ tại quận Bình Tân. Do theo thông tin mà đại biểu HĐND được cung cấp thì TAND quận Bình Tân liên tục đình chỉ 7 đến 8 vụ trong một tuần. Đặc biệt, vụ án bị tạm đình chỉ là những vụ có thâm niên 4 - 5 năm chứ không phải mới nhận hồ sơ đầu năm nhưng cuối năm đình chỉ.
Liên quan đến vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có sự chỉ đạo trong thi đua, hay tạm đình chỉ xét xử vụ án để chạy theo thành tích. TAND TP HCM sẽ có giám sát và có biện pháp đối với đơn vị nào thực hiện tạm đình chỉ vì thành tích thi đua. Sắp tới TAND thành phố sẽ làm việc trực tiếp với TAND quận Bình Tân để làm rõ vấn đề”.
Riêng về án quá hạn, bà Hương cho biết, án quá hạn là những án phức tạp cần thêm thời gian để bổ sung thông tin vào hồ sơ hoặc do bị đơn không hợp tác. Riêng những án có “thâm niên” 10 năm thì chủ yếu là liên quan đến giao dịch đối với dân sự nước ngoài mà trước đây có một thời gian ngưng xét xử vì chờ hướng dẫn…
Doanh nghiệp nhà nước chậm di dời
Tại phiên chất vấn đại biểu HĐND còn bày tỏ sự bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Theo đó, đa số đại biểu HĐND quan ngại về tình trạng các cơ sở sản xuất ô nhiễm vẫn vô tư đan xen trong khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống của người dân. “Cử tri mất lòng tin với lãnh đạo thành phố về việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong khu dân cư. Bởi vì, cơ sở cũ gây ô nhiễm chưa di dời thì số cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch đã lên đến 698 cơ sở, tại thời điểm hiện nay” - đại biểu Huỳnh Công Hùng nêu quan điểm.
Trả lời đại biểu về việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đan cài trong khu dân cư, ông Đào Tuấn Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM thông tin, năm 2002 thành phố chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra ngoại thành. Kết quả đến nay Sở đã chuyển được 141 cơ sở, còn lại 6 cơ sở “ù lì” mang tính chất thâm niên. Điều đặc biệt, trong 6 cơ sở “cố thủ” còn lại trong khu dân cư thì có đến 5 cơ sở là doanh nghiệp nhà nước .
“Nguyên nhân chậm di dời 6 cơ sở là do họ cố tình ỷ lại; chính sách chưa cụ thể. Và, chậm trễ còn do trách nhiệm của chúng tôi”, ông Đào Anh Kiệt thừa nhận.
Ông Kiệt cho rằng, ngoài 6 cơ sở cũ chậm di dời, thành phố còn phát sinh nhiều đơn vị sản xuất gây ô nhiễm mới mọc lên đan xen trong khu dân cư. Chính vì vậy, Sở phải liên tục xử lý. Sắp tới, sẽ có 23 cơ sở ở quận 12 di dời đến khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.
Đề cập đến việc chậm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP HCM xác nhận, kế hoạch di dời cơ sở là có song khi triển khai thì lúng túng. UBND thành phố sớm báo cáo trả lời bằng văn bản cho các tổ giám sát của HĐND về giải pháp di dời số cơ sở còn lại nhằm đảm bảo chất lượng đời sống cho người dân.
Ngăn chặn thực trạng lấn chiếm kênh rạch Ngày 30/7, UBND TP HCM đã có chỉ đạo về giải quyết lục bình, rác và tình trạng lấn chiếm kênh, rạch trong năm 2015 và giai đoạn 2016-2020. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm, hiện nay trên các sông và hệ thống kênh, rạch thuộc lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang có tình trạng lục bình sinh sôi phát triển, cùng với cỏ dại và rác thải tích tụ qua nhiều năm gây tắc nghẽn dòng chảy, cản trở hoạt động giao thông thủy và khả năng tiêu thoát nước. Mặt khác, hoa lục bình còn tác động tiêu cực đến chất lượng nước sông, cảnh quan và công tác vệ sinh môi trường. Ngoài thực trạng nêu trên, TP HCM cũng lo ngại tình trạng dọc hành lang an toàn bờ sông kênh, rạch đang bị lấn chiếm chưa được xử lý triệt để, phát sinh thêm nhiều trường hợp mới xây dựng nhà ở, dự án lấn chiếm, chiếm dụng để kinh doanh,... làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng môi trường dọc bờ sông, kênh, rạch. Để tập trung giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn của các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn, UBND TP HCM đã chỉ đạo các Sở ngành và quận huyện tập trung triển khai các hoạt động khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hồng Phúc |