Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Thấy nhập về quá rẻ thì phải kiểm tra
Dẫn phóng sự truyền hình về nhập khẩu chân gà, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ ngành thấy cái gì nhập về quá rẻ thì phải sang nước đó để kiểm tra. Vì theo luật pháp quốc tế, “anh” bán rẻ hơn thì tôi áp thuế bán phá giá.
Chiều 31/7, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu nhiều vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói: Vấn đề thi học kỳ, các thành viên Chính phủ đã bàn rồi nên tôi không nói sâu. Nhưng khái quát về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chúng tôi thấy: Về nhiệm vụ của nông thôn mới bao trùm hết nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trừ việc đưa con em đi lao động nước ngoài.
Trong 6 nhiệm vụ có nhiệm vụ này không nằm trong nông thôn mới, còn 5 nhiệm vụ còn lại nằm hoàn toàn trong nông thôn mới, trong đó có 2 nhiệm vụ thuộc về hạ tầng, 1 về phát triển sản xuất; 1 là truyền thông, và 1 là chức năng giám sát. Thực ra với chương trình xây dựng nông thôn mới các ngành vẫn tham gia, giáo dục thì giáo dục phải làm, y tế vẫn làm phần việc của mình. Khi ngân sách từ trên đưa xuống, xuống dưới thì xã nhận, người vận hành là một bộ máy. Theo cá nhân tôi thấy nên nhập lại.
Tiếp nữa là chương trình dân số. Chúng tôi thấy vừa qua nước ta thành công rất lớn về dân số nhưng cũng đã đến lúc chuyển giai đoạn. Mục tiêu dân số giai đoạn trước là sinh ít đi để đừng tăng dân số và khắc phục mất cân bằng. Nhưng hiện nay Quỹ Dân số Liên hợp quốc có ý kiến đề nghị: Quy luật ổn định là sinh phải thay đúng bố mẹ chứ không cần nhiều. Số liệu ở ta hiện nay là 2,08 bắt đầu tụt xuống không cân bằng (tỷ lệ cân bằng phải là 2,1). Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ sinh chỉ có 1,7.
Không phải sinh ít đi mà là sinh đủ để luôn có người lao động nuôi người già. Cứ 2 người già là có 2 người làm để nuôi thì mới bền vững. Ở giai đoạn giảm dân số thì ngành y tế có vai trò quan trọng nhất, vận động rồi sử dụng các loại công cụ; nhưng đến bây giờ muốn cho người ta sinh đủ phải có chính sách xã hội để không bị thiệt thòi khi sinh con. Nếu sinh con ra không có nhà, sinh con phải nghỉ việc, mất việc làm thì người ta không sinh nữa.
Đây là áp lực các nước trên thế giới đã từng trải qua, cho nên, chúng tôi đề nghị nên giữ chương trình mục tiêu, nhưng góc độ của nó là phát triển dân số để bền vững về kinh tế - xã hội.
Ở giai đoạn giảm sinh thì cơ quan quản lý dân số đặt ở Bộ Y tế là đúng, nhưng giai đoạn sinh đủ thì phải đặt hoặc ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hoặc là ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đặt ở Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vì đây là nơi giám sát dân số lao động vì mục đích phát triển.
Về vấn đề nhập khẩu chân gà. Thực ra ngoài chân gà còn có nhiều cái “chân” khác mà truyền hình có phóng sự cách đây 3 ngày. Đó là một ông chuyên cung cấp thịt gà Việt Nam đã bay sang Mỹ xem giá chân gà. Ở Mỹ, giá gấp 3 lần Việt Nam. Tức là người Mỹ mua chân gà Mỹ gấp 3 lần giá bán sang Việt Nam. Luật pháp gọi đó là bán phá giá.
Cho nên, chúng tôi đề nghị, bình tĩnh nhưng nên có giám sát, yêu cầu các bộ ngành thấy cái gì nhập về quá rẻ thì phải sang nước đó để kiểm tra. Vì theo luật pháp quốc tế, “anh” bán rẻ hơn thì tôi áp thuế bán phá giá. Chứ cứ thế này nông nghiệp nước ta chịu không nổi! Việc này ngành Công thương phải vào cuộc.
Trong báo cáo tổng kết có băn khoăn lo lắng về nông nghiệp, xuất khẩu, tôi thấy là đúng, nhưng ngoài giải pháp ngắn hạn thì trong dài hạn cần củng cố nông nghiệp tái cơ cấu với hợp tác xã. Đây là vấn đề rất quan trọng, Mặt trận vừa rồi có giám sát vấn đề này. Ngày 24/7, Thủ tướng có Chỉ thị 19 về tăng cường thực hiện hợp tác xã theo luật mới. Điều này rất quan trọng.
Lần đầu tiên Thủ tướng giao Mặt trận và 4 tổ chức chính trị xã hội tham gia vận động thành lập hợp tác xã, tham gia tư vấn và giám sát. 5 cơ quan đã ngồi lại. Hợp tác xã bây giờ là tự nguyện, không bằng mệnh lệnh hành chính được. Như vậy các cơ quan đoàn thể phải tham gia vận động hỗ trợ chính quyền. Cuộc họp Chính phủ tháng sau chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này.