13 tỷ đồng xây dựng đường điện được 'tiêu' ra sao?

Tuấn Anh-BĐ 01/08/2015 09:30

Đến thời điểm hiện nay, tại 15 thôn, buôn ở xã Ea Tam huy động nhân dân đóng góp khoảng 13 tỷ đồng để xây dựng 11 công trình cấp điện. Nhưng việc huy động, sử dụng nguồn vốn do nhân dân đóng góp đều hết sức tùy tiện, lỏng lẻo.

Nhiều đường dây điện tạm bợ người dân tự kéo để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Sau khi đường điện thôn Tam Phương 1 được đầu tư đưa vào sử dụng, người dân chờ ông Luận và đơn vị thi công tổ chức họp dân để công khai tài chính, thế nhưng chờ mãi không thấy ai trả lời. Bên cạnh đó, căn cứ vào Thông tư liên tịch giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, trước những khuất tất của ông Luận, người dân đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp.

Lập khống giấy tờ, giả mạo chữ ký

Để hợp thức hóa và chiếm đoạt tiền đóng góp xây dựng lưới điện của người dân, ngày 11 và 12/8/2013, cá nhân ông Trần Ngọc Luận là thôn phó đã tự ý lập khống “Biên bản họp dân”, cùng “Đơn đề nghị đầu tư”, với nội dung: “Chúng tôi gồm các hộ dân có tên trong danh sách dưới đây thống nhất bỏ vốn đầu tư xây dựng đường dây hạ áp và trạm biến áp tại khu vực thôn Tam Phương 1, xã Ea Tam. Sau khi xây dựng xong, chúng tôi sẽ bàn giao cho ngành điện quản lý và không yêu cầu hoàn trả vốn”.

Nhiều người dân thôn Tam Phương 1 bức xúc cho biết, vào ngày 20/9/2013 mới họp dân thống nhất chủ trương góp tiền xây dựng đường điện. Không hề có cuộc họp dân nào thống nhất nội dung trên. Những chữ ký trong biên bản họp dân là giả mạo, tự tay ông Luận ký. Và điều đáng nói là cả hai văn bản giả mạo trên đều được Chủ tịch UBND xã Ea Tam Nguyễn Ngọc Thuận ký, đóng dấu xác nhận.

Dựa vào các văn bản giả mạo này, ông Luận cùng các thành viên tổ thu tiền (tổ này do dân bầu tại cuộc họp ngày 20/9/2013) tổ chức thu tiền của dân theo đầu diện tích canh tác, với mức 11 triệu 980 nghìn đồng/ha cà phê. Cả thôn Tam Phương 1 có 116ha cà phê, dự kiến tổng số tiền thu được 1.389.680.000 đồng. Và đến thời điểm xảy ra khiếu kiện, số tiền ông Luận và tổ thu tiền đã thu được 993 triệu đồng.

Ngày 25/9/2013, trên cơ sở những văn bản lập khống, ông Luận tự ý đứng ra ký hợp đồng xây dựng với Công ty TNHH Việt Long (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột), xây dựng một trạm biến áp 400kVA - 22/0,4kV và 3,015km đường dây hạ áp, có tổng trị giá 1.349.500.000 đồng. Đến 4-3-2014, công trình đường điện thôn Tam Phương 1 hoàn thành đưa vào sử dụng. Biên bản nghiệm thu kỹ thuật, ngoài đại diện chủ đầu tư là ông Trần Ngọc Luận còn được đại diện của Điện lực Krông Năng xác nhận.

Cũng theo phản ánh của người dân, sai phạm trong huy động xây dựng đường điện ở Tam Phương 1 còn thể hiện ở chỗ, cá nhân ông Luận đứng ra quản lý và thu-chi, không có thủ quỹ, kế toán, không có ban quản lý dự án, ban giám sát, dẫn tới thiếu minh bạch. Tiền thu không có biên lai thu của Ban Tài chính xã, không nộp về Ban Tài chính xã để chuyển kho bạc quản lý theo quy định hiện hành. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, cá nhân ông Luận cũng chưa công khai việc thu-chi với dân.

Ông Đinh Công Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam cho biết: “Việc ông Luận làm giả giấy tờ, giả mạo chữ ký của người dân để hợp thức hóa các thủ tục là có thực. Ông Luận đã thừa nhận và xin lỗi với dân và chính quyền xã”.

Chính quyền xã buông lỏng quản lý, giám sát

Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy, việc huy động và sử dụng nguồn vốn do nhân dân đóng góp xây dựng công trình điện ở xã Ea Tam có hàng loạt dấu hiệu sai phạm cần làm rõ.

Cụ thể, về phía Đảng ủy xã Ea Tam đã không ban hành nghị quyết lãnh đạo huy động nguồn đóng góp tự nguyện của dân; không giao nhiệm vụ cho HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã đứng ra hỗ trợ thôn, buôn trong việc huy động xây dựng đường điện đúng quy định pháp luật. Thường trực HĐND xã không tiến hành giám sát số tiền huy động của dân và chất lượng công trình.

UBND xã không ban hành các quyết định thành lập ban quản lý dự án, ban giám sát công trình và tổ đấu thầu xây dựng công trình điện tại các thôn, buôn theo đúng quy định. Ban Tài chính xã không đứng ra thu, nộp về kho bạc để quản lý, sử dụng, quyết toán tiền đóng góp tự nguyện của dân theo quy định tại Thông tư số 85/1999/TT-BTC.

Bên cạnh đó, việc xây dựng lưới điện ở xã Ea Tam không lập dự án, dự toán, không có bản vẽ, thiết kế công trình mà xây dựng tùy tiện, còn phá vỡ quy hoạch xây dựng nông thôn mới; vi phạm Luật Đất đai khi không tiến hành đền bù (hoặc thỏa thuận hiến đất) giải phóng mặt bằng.

Được biết, đến thời điểm hiện nay, tại 15 thôn, buôn ở xã Ea Tam huy động nhân dân đóng góp khoảng 13 tỷ đồng để xây dựng 11 công trình cấp điện. Nhưng việc huy động, sử dụng nguồn vốn do nhân dân đóng góp đều hết sức tùy tiện, lỏng lẻo.

Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết: Sau khi có kiến nghị của địa phương thì chúng tôi chỉ tham gia nghiệm thu kỹ thuật, nếu đủ điều kiện thì vận hành đóng điện. Nếu dựa trên văn bản thỏa thuận đầu tư của xã Ea Tam thì ngành điện không hoàn trả vốn đầu tư cho dân, theo Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC, ngày 4/12/2013 về “Hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn”. Tuy nhiên, trong trường hợp xác minh văn bản thỏa thuận là giả mạo, thì Công ty Điện lực Đắk Lắk sẽ xin ý kiến của Tổng công ty Điện lực miền Trung để có hướng giải quyết”.

Thiết nghĩ, để giải quyết thỏa đáng cho người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần khẩn trương vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm minh.

Tuấn Anh-BĐ