Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ thương mại

Thanh Giang 01/08/2015 04:10

Trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ngày 31/7, tại TP HCM, Liên hiệp các Hội Hữu nghị TP HCM tổ chức Hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, nhìn từ góc độ thương mại”.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ thương mại

Hoa Kỳ trở thành nước xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Nhận định về quan hệ 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ, bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM cho hay: 20 năm - một giai đoạn rất sôi động trong quan hệ song phương giữa hai nước và là cơ hội tuyệt vời để chúng ta tự nhìn nhận về quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua cũng như sắp tới.

Thực tế cho thấy, quá trình quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm qua trải qua nhiều khó khăn, song cả hai bên cùng từng bước xích lại gần nhau. Minh chứng cụ thể cho điều này thể hiện rõ qua góc độ thương mại.

Năm 2000, Việt Nam - Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại. Theo đàm phán, cắt giảm gần 300 dòng thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa.

Năm 2006, Việt Nam - Hoa Kỳ lại ký Hiệp định song phương gia nhập WTO. Hiệp định cam kết cắt giảm trên 10.000 dòng thuế nhập khẩu; bỏ hạn ngạch dệt may; Hoa Kỳ từng bước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Nhờ hai Hiệp định thương mại và bỏ lệnh cấm vận thương mại hoàn toàn mà thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có bước nhảy vọt. Hoa Kỳ trở thành nước xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Chỉ xét riêng ngành dệt may, năm 2014 hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch 9.853 triệu USD, chiếm 9.2% thị phần nhập khẩu dệt may của Mỹ, xếp thứ 2 sau Trung Quốc.

Trong 10 năm qua (2004-2014), hàng dệt may vào Hoa Kỳ tăng 398%, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15%. Về nguồn vốn đầu tư, Việt Nam thu hút 126 triệu USD vốn FDI của Hoa Kỳ vào năm 2000 và lên 11 tỷ USD trong năm 2013.

Theo ông Huỳnh Thế Du - đại diện Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, TPP trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam là một bước mở cửa và hội nhập nữa đối với Việt Nam. Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thì Việt Nam thuộc những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Thời gian tới mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ chính thức vào cuộc để “so găng” với dệt may Trung Quốc tại thị trường này để giành “ngôi vị quán quân”.

Cụ thể, ngành dệt may đang hưởng thuế suất bình quân vào thị trường Hoa Kỳ đang là 17,3% và có cơ hội về 0% nếu tham gia TPP. Song, thách thức lớn nhất nằm ngay trong nguyên tắc hàng đầu của TPP, đó là cạnh tranh bình đẳng. Bởi lẽ, Việt Nam hiện nay có khoảng 600.000 DN, trong đó 80% là DN vừa và nhỏ nên không tránh khỏi khó khăn khi chơi cùng một sân, dù là sân nhà hay sân khách.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong 20 năm qua mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã có bước tiến vượt bậc. Hy vọng, giao thương 2 chiều sẽ tăng trưởng hơn trong thời gian tới khi TPP được ký kết.

“Việt Nam không ngừng cải cách thể chế, môi trường đầu tư tạo sự thông thoáng tối đa cho nhà đầu tư nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thanh Giang