Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh làm việc với Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình
Chiều ngày 31-7, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình về công tác tổ chức cán bộ và công tác dân tộc.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh Quảng Bình có 124/159 Chủ tịch Mặt trận cấp xã là Ủy viên Thường vụ cấp ủy; 34 vị là cấp ủy viên; 1 vị chi ủy viên (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch chỉ có chi bộ, không có đảng bộ); 144/159 xã có cơ cấu 2 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã; có 1.292 Ban công tác Mặt trận; trong đó, Trưởng ban CTMT chuyên trách là 153 vị, số còn lại là Bí thư chi bộ kiêm nhiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức cán bộ Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như chưa đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao của công tác Mặt trận, còn thụ động, chưa thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức, chậm đổi mới về phương thức công tác.
Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền các cấp vẫn chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của Mặt trận trong tình hình hiện nay nên chưa tạo điều kiện và phối hợp trong triển khai công tác Mặt trận. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình trong quần chúng nhân dân chưa sát và lúng túng trong xử lý tình huống; triển khai các phong trào…
Về công tác dân tộc, tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số chính là Bru – Vân Kiều và Chứt. Dân tộc Bru - Vân Kiều gồm các tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì với khoảng 3.640 hộ với 16.425 khẩu, chiếm 71,8% dân số dân tộc thiểu số. Dân tộc Chứt gồm các tộc người: Rục, A rem, Sách, Mã Liềng, Mày có 1.204 hộ, 5.438 khẩu. Các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình chủ yếu sinh sống theo cộng đồng ở 107 bản, thuộc 17 xã miền núi, vùng cao của các huyện.
Trong 5 năm qua (2009-2014), vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình được đầu tư trên 230 tỷ đồng từ các chương trình 134, 135, chương trình định canh, định cư và nhiều nguồn lồng ghép khác. Công tác giao đất giao rừng, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Có 4.230 hộ được nhận đất lâm nghiệp với diện tích 15.990ha…
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 1.752 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số được công nhận Gia đình văn hóa, 23 bản được công nhận Bản văn hóa; tình đoàn kết giữa các làng, giữa các dân tộc được thắt chặt, bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn còn tư tưởng trong chờ, ỷ lại Nhà nước, chưa chủ động xây dựng phát triển kinh tế hộ để thoát nghèo…
Tại buổi làm việc, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đề xuất với Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số vấn đề. Theo ông Phi, cần cụ thể hóa và quy định rõ hơn về quyền hạn, đối tượng và trách nhiệm của người, tổ chức được giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện của Mặt trận nên thực hiện độc lập. Ông Lê Hùng Phi cũng cho rằng, cần quy định rõ chế độ phụ cấp, số lượng Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã; chế độ phụ cấp cho Ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã không hưởng lương từ ngân sách.
Về công tác dân tộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình kiến nghị, cần có chính sách đầu tư trọng tâm, thiết thực, không đầu tư tràn lan, manh mún, thiếu đồng bộ. Đối với đồng bào Chứt ở Quảng Bình, cần có công trình nghiên cứu, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Chứt…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được về đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Mặt trận các cấp ở tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt là sự sáng tạo của MTTQ các cấp ở tỉnh Quảng Bình trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cũng đã ghi nhận và biểu dương trong công tác đào tạo cán bộ, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, định canh định cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời chia sẻ với những kiến nghị đề xuất của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình.
“Cán bộ Mặt trận phải là những người thật sự gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Biết lắng nghe dân nói, nói cho dân nghe và làm cho dân tin, thì việc khó mấy cũng làm được” Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.