Ám ảnh bóng đè

LÃ THẾ TUẤN (Nguồn tham khảo: Buzzfeed Live Science Wikipedia) 01/08/2015 16:39

Trong đời, không người nào không từng bị bóng đè. Hiện tượng ấy từng được “mổ xẻ” hàng ngàn năm qua, nhưng cho tới nay kể cả y học hiện đại cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Người ta cố gắng tìm hiểu nguyên nhân cũng như tìm cách “thoát” khỏi chúng, nhưng kết quả không như ý muốn. Một nghiên cứu khoa học của Pháp mới đây cho rằng, chúng ta chỉ có thể tiệm cận hiện tượng ấy chứ không thể xóa bỏ nó.

Hiện tượng bóng đè vẫn chưa được giải thích thấu đáo (Ảnh minh họa)

Về cơ bản, giới khoa học thống nhất cho rằng bóng đè là hiện tượng rối loạn giấc ngủ, đúng hơn là chúng xuất hiện trước khi con người chìm vào giấc ngủ. Nó không phải là sự mộng mị, vì bản chất của nó là nằm giữa lằn ranh thức - ngủ, đồng thời nó chỉ toàn gây cho con người sự sợ hãi chứ không như có mộng lành lẫn mộng dữ.
Những ai thường bị bóng đè? Có phải họ là những người yếu bóng vía hoặc từng bị tổn thương thần kinh? Bóng đè thường xuất hiện ở những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược. Họ là những người khá nhút nhát, hay bị ám ảnh bởi những điều vu vơ. Những ngươi rơi vào tình trạng bế tắc trong cuộc sống cũng có khả năng bị bóng đè. Kể cả những người to lớn, “khỏe như vâm” cũng có thể bị bóng đè nếu họ có điểm yếu nào đó trong hệ thần kinh. Khoa học cũng đưa ra kết luận, những người hay uống bia, rượu, chất kích thích cũng dễ bị bóng đè.
Ngày trước, người ta cho rằng bóng đè là do bị ma quỷ ám nên đã dùng nhiều cách cúng bái, làm lễ để chữa trị. Tất nhiên là không có hiệu quả. Người ta lại truyền tai nhau rằng, để một con dao dưới gối, quỷ không dám đến sẽ không bị bóng đè. Nhưng cách đó cũng không ăn thua.
Đáng chú ý, khi bị bóng đè thì một phần não bộ vẫn hoạt động bình thường (trạng thái tỉnh) nhưng hệ thần kinh vận động không hoạt động, khiến cho cơ thể không thể cử động được. Hầu hết những người bị bóng đè đều có cảm giác bị trói chân trói tay, hoặc như bị một vật gì đó rất nặng đè lên ngực mà không thể nào vùng thoát được. Khi bị bóng đè, người ta luôn gặp những hình ảnh đáng sợ đe dọa cướp đi mạng sống. Trong văn học cổ điển Trung Quốc, nhân vật Tào Tháo cũng từng bị bóng đè, sợ hãi đến chết. Ông ta tưởng bị thần cây gỗ lê đến trả thù, khi thoát khỏi bóng đè đã ném cả thanh gươm quý lên trần nhà.

Bóng đè xuất hiện giữa lúc chuyển tiếp giữa thức và ngủ

Có lẽ đây là điển hình của một người mang nhiều nỗi bất an trong dạ, cho dù ở ngôi vị rất cao hầu như không ai có thể giết được. Tuy nhiên, ông ta vẫn cứ bị bóng đè như thường. Những trận bóng đè với nhân vật này cũng như với nhiều người khác, có khi chỉ vài giây nhưng cũng có lúc kéo dài tới 30 phút. Lúc đó, con người trở nên hoảng hốt, rã rời, không dám ngủ, lâu dần thành bệnh mất ngủ dẫn đến suy nhược cả thần kinh lẫn cơ thể.
Trong những nguyên nhân dẫn đến bóng đè, người ta thấy nổi lên việc căng thẳng tâm lý, lo lắng quá độ, bị stress do sức ép từ công việc. Những sang chấn tâm lý đó tấn công vào vỏ não. Người uống bia rượu, làm việc trí não quá độ, hay là bị chứng thiếu máu, đau tim cũng dễ bị bóng đè. Để thoát khỏi nạn đó, người ta thay giường ngủ, đổi vị trí giường, để dao dưới gối…, nhưng vẫn không đâu vào đâu. Nhiều người hết bị bóng đè đợt này, thoát ra được, lại bị bóng đè tiếp, không tài nào ngủ được.
Bóng đè tưởng đơn giản (vì ai cũng có thể bị bóng đè) nhưng tác hại của nó không nhỏ. Không ít người cố gắng vùng thoát, kêu cứu nhưng vẫn bất lực. Tác động xấu của nó tới thể trạng, thần kinh là rất lớn. Người xưa cho rằng, mỗi lần bị bóng đè là một lần thần chết đến đợi “đón” đi. Cảm giác như đã chết rồi luôn thường trực. Sau này, người ta gọi đó là tình trạng “ở lưng chừng của cái chết”. Khoa học chứng minh, bóng đè đáng sợ hơn cả ác mộng. Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Học viện Sleep Medicine - Michael Breus cho rằng, khi con người đi vào giấc ngủ, hệ thần kinh được nghỉ ngơi, hay có thể nói là bị tê liệt. Nhưng nếu giữa lúc thức và ngủ lại bị bóng đè thì cũng có nghĩa hệ thần kinh của chúng ta đang đi ngược lại với nguyên tắc đó. Chính vì điều đó đã khiến con người rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Người bị bóng đè thường tìm cách vật vã để vùng thoát

Vẫn theo Tiến sĩ Michael Breus thì tình trạng bóng đè có thể liên quan đến ảo giác, nó xuất hiện ngay cả khi người ta vẫn đang mở mắt. Có nghĩa là, lúc đó người ta vẫn cảm nhận được bằng cả thị giác và thính giác, cho rằng nỗi sợ hãi tột độ khiến cho nhịp tim nhanh hơn rất nhiều, có thể nghe thấy quả tim đập thình thịch trong đêm vắng.
- Bóng đè không thể giết người nhưng làm con người ta hoảng sợ, rệu rã - Tiến sĩ M.Breus nói. Để có thể tránh gặp hiện tượng này, cách tốt nhất là cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Những giấc ngủ sâu sẽ giúp chúng ta thoát khỏi nó. Còn thì không có thuốc nào chữa khỏi được.
Tiến sĩ M.Breus cũng khuyên rằng, để hạn chế bị bóng đè thì cũng nên thay đổi tư thế nằm ngủ. Có nghĩa là phải thật thoải mái: nằm nghiêng phải, chân hơi co, tay duỗi, làm cho toàn bộ cơ bắp chùng giãn, đầu không vẹo lệch. Khi ngủ cần mặc quần áo rộng rãi để tránh gò bó cơ thể. Phòng ngủ phải thoáng khí.
- Cho tới nay, khoa học vẫn chưa tìm ra một cách rõ ràng nguyên nhân của bóng đè cũng như cách khắc phục, nên đó là những điều chúng ta cần phải làm- Tiến sĩ M.Breus nói.

“Hiểu biết rõ về nguyên nhân gây bóng đè sẽ đem lại ý nghĩa lớn đối với những người chịu ảnh hưởng từ nó”- Baland Jalal, nhà thần kinh học Đại học California (Mỹ) nói. Trong lúc người bị bóng đè, thùy đỉnh giám sát các tế bào thần kinh trong não (nằm ở phần giữa phía trên não) gửi tín hiệu ra lệnh cử động nhưng không gây chuyển động thực sự ở chân và tay, khiến chúng tê liệt tạm thời. Điều đó làm rối loạn quá trình não xây dựng ý thức về hình ảnh của cơ thể.

LÃ THẾ TUẤN (Nguồn tham khảo: Buzzfeed Live Science Wikipedia)