Kiểm soát thu nhập để hạn chế tham nhũng
Giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế tham nhũng, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, là phải công khai rộng rãi việc kê khai tài sản, thu nhập cán bộ, công chức. Đồng thời Thanh tra Chính phủ đã trình Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn rồi.
Ông Lê Tiến Hào.
Để phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả, sẽ tăng cường kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn cũng như có biện pháp đồng bộ để kiểm soát việc kê khai, công khai tài sản nhằm hạn chế tham nhũng- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã khẳng định như vậy với báo chí.
PV: Để thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) hiệu quả, phải bắt nguồn phải từ việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ, công chức. Song thời gian qua công tác này chưa tốt. Vì sao vậy thưa ông?
Ông Lê Tiến Hào: Kê khai tài sản và công khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, dù sau khi quy định này được luật hóa trong Luật PCTN đã phát huy được hiệu quả nhất định nhưng lại vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Có thể nói kê khai còn khá hình thức đã gây khó cho công tác thu hồi TSTN.
Hiện, chúng ta mới kiểm soát được tài sản, thu nhập của công chức và những người có chức vụ, quyền hạn chứ chúng ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội cho nên những tài sản tham nhũng đã được tẩu tán đi, không kiểm soát được. Vì vậy, khi phát hiện tham nhũng, việc thu hồi gặp nhiều khó khăn kể cả về mặt pháp luật và thực tiễn. Đây là vấn đề mà Bộ luật Dân sự sửa đổi đang bàn và Luật PCTN chắc chắn tới đây cũng phải có những quy định cụ thể để làm thế nào có thể thu hồi được TSTN cao nhất cũng như khắc phục được việc kê khai hình thức, chưa hiệu quả như hiện nay.
Ý ông là tới đây khi sửa đổi Luật PCTN những khâu yếu nhất trong thu hồi TSTN sẽ được bàn thảo để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất?
- Đúng vậy. Hiện nay, chúng ta đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Sau khi tổng kết sẽ đưa ra các giải pháp, trong đó chú trọng xác minh tài sản, đồng thời phải đưa ra các giải pháp mang tính khả thi. Hiện chưa tổng kết nên chưa rõ sẽ sửa Luật theo hướng nào, nhưng tôi chắc chắn một điều là không thể để tình trạng tham nhũng như hiện nay: Tham nhũng số tiền nhiều nhưng lại thu hồi TSTN quá ít. Giải pháp hữu hiệu nhất theo tôi, phải công khai rộng rãi việc kê khai tài sản, thu nhập cán bộ, công chức. Đồng thời Thanh tra Chính phủ đã trình Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn rồi. Tới đây, việc kiểm soát thu nhập sẽ là kênh đưa vào Luật PCTN, trong đó tăng cường kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Ông đánh giá thế nào về báo cáo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ đối với cán bộ và công chức, trong đó nêu rõ có 2 yếu tố tác động đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức là sự can thiệp người có thẩm quyền và việc tặng quà, tiền, có người thân quen?
- Tiêu cực trong tuyển dụng công chức thời gian qua là có. Tất nhiên theo khảo sát này, người dân và công chức đánh giá là đúng. Hiện nay các cơ quan chức năng đang đề ra nhiều giải pháp làm sao để hạn chế thấp nhất việc này. Thời gian qua, chúng ta đã đưa ra rất nhiều biện pháp trong thi tuyển công chức, tuyển dụng, đề bạt cán bộ để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong công tác tuyển dụng cán bộ để giảm bức xúc trong xã hội. Vấn đề này cần coi trọng làm chặt chẽ trong thời gian tới.
Thưa ông, hiệu quả của các giải pháp PCTN chưa cao, có nguyên nhân là do còn thiếu thiết chế trong quản lý PCTN?
- Đúng là như vậy! Mặc dù chúng ta đã có Luật PCTN và các quy định khác nhưng theo tôi chưa đầy đủ và đối với sự phát triển về kinh tế - xã hội thì luật pháp phải có thay đổi cho phù hợp. Việc sửa Luật PCTN sau 10 năm thực hiện là rất quan trọng để chúng ta có thể vừa đánh giá thực tiễn thực hiện Luật, vừa đánh giá phù hợp với giai đoạn phát triển thì mới có giải pháp đúng đắn, phù hợp.
Tham nhũng không chỉ có mặt tại khu vực công mà có cả ở khu vực tư. Nhìn nhận vấn đề này thế nào, thưa ông?
- Chúng ta nói rằng có tham nhũng trong khu vực tư nhưng chưa có quy định về vấn đề này. Bởi, thực tế phát triển nền kinh tế thị trường, khu vực tư mới có một số năm và việc đưa ra quy định pháp luật thì phải có thực tiễn, đồng thời cần nghiên cứu cụ thể. Tôi nghĩ tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ đề xuất đưa quy định PCTN trong khu vực tư vào trong Luật.
Trân trọng cảm ơn ông!