Cai nghiện thuốc lá từ… nhân viên y tế
Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia hút thuốc nhiều nhất thế giới, số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra hồi cuối tháng 5. Kỷ lục này rõ ràng không ai thích thú. Cũng không ai cảm thấy tự hào.
Ảnh minh họa.
Vấn đề là làm cách nào để số người hút thuốc lá giảm đi, theo đó mỗi năm đất nước sẽ đỡ thiệt hại khoảng 1 tỷ USD vì hút thuốc lá? Câu hỏi đó quả thật khiến người ta suy nghĩ.
Nhưng suy nghĩ thôi, không đủ. Phải hàng động. Thiết thực nhất vẫn là những hành động. Vì thế, khóa tập huấn về cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên vừa diễn ra trong tuần cuối cùng của tháng 7-2015 khiến người ta thấy lóe lên những hy vọng.
Thông điệp chính của khóa tập huấn (do BV Bạch Mai thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế) là muốn có môi trường không khói thuốc lá phải có con người không hút thuốc lá. Và ngược lại, tạo dựng được một môi trường không khói thuốc sẽ giúp hỗ trợ người nghiện có quyết tâm bỏ thuốc lá.
Theo Bộ Y tế, nghiện thuốc lá chính là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Nước ta, khoảng 47,4% nam giới hút thuốc lá, và 1,4% nữ giới. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu biết đến “làn khói trắng” từ khi còn rất trẻ, với 56% người bắt đầu hút thuốc là trước tuổi 20. Bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá luôn cao. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. WHO cho biết, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Để giúp các đơn vị thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người hút thuốc có thêm quyết tâm bỏ thuốc, thì công tác tư vấn cai nghiện là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá”.
Còn theo bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, dù là biện pháp hiệu quả giúp giảm gánh nặng y tế - xã hội, giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh do hút thuốc lá, nhưng hiện các biện pháp tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá chưa được cập nhật và triển khai đúng mức. Tỷ lệ sinh viên y khoa, nhân viên y tế được đào tạo về tư vấn cai nghiện thuốc lá còn thấp. Dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nhận được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá từ nhân viên y tế cũng thấp theo. Mà hiện nhu cầu được hỗ trợ cai thuốc lá trong cộng đồng đang rất cao.
Bởi vậy, cũng theo bà Hải, trong năm nay, Bộ Y tế triển khai mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 5 BV, gồm: BV Phổi Trung ương, BV Ung bướu Hà Nội, BV Trung ương Huế, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM và một BV y học cổ truyền. Bên cạnh mục tiêu 100% bệnh nhân có bệnh liên quan đến thuốc lá được tư vấn cai nghiện bởi các khoa phòng, còn có một mục tiêu khá “thú vị” của mô hình trên đó là hướng tới 100% cán bộ, nhân viên BV đang còn hút thuốc được tư vấn cai nghiện thuốc lá ngay tại BV.
Bắt đầu từ chính ngành y tế, hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có những con số đẹp về tình trạng hút thuốc lá, từ WHO.