Lò gạch thủ công tàn sát môi sinh, xã bó tay?
Bất chấp chỉ đạo của tỉnh về xóa bỏ các lò gạch thủ công, nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn xã Yên Phúc (Ý Yên, Nam Định) vẫn công khai hoạt động. Đáng nói là, trước những hậu quả khủng khiếp về môi trường do các lò gạch này gây ra, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh nhưng chưa được chính quyền quan tâm giải quyết…
Lò gạch thủ công vô tư nhả khói trên địa bàn xã Yên Phúc bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Đi ngủ cũng đeo khẩu trang
Những ngày cuối tháng 7, có mặt tại cánh đồng Đỗi, nằm ven sông Đào, thuộc địa bàn thôn Đồng Lạc, xã Yên Phúc, chúng tôi nhẩm đếm có 10 lò gạch thủ công, trong đó có nhiều lò gạch lớn đang vô tư “nhả khói”. Từ các cột trên nóc lò, khói lan tỏa ra xóm làng, đồng ruộng liền kề, khiến không khí trở nên ngột ngạt…
Ông Khiếu Đình Vinh, Trưởng thôn Đồng Lạc cho biết, thôn có 110 hộ, với 380 nhân khẩu. Gần 20 năm nay, người dân trong thôn liên tục phải sống chung với khói, bụi của các lò gạch trên. Theo ông Vinh, việc hết năm này đến năm khác phải sống chung với khói bụi lò gạch đã khiến sức khỏe của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Ngày nào chúng cũng thi nhau “nhả khói”. Mùi khói quyện với mùi than bốc lên nồng nặc khiến chúng tôi rất khó thở. Thương nhất là người già và trẻ em. Nhiều khi đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang”, ông Vinh than.
Không chỉ có vậy, theo ông Vinh, những năm gần đây, nhiều người dân trong thôn mắc bệnh và chết vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vị trưởng thôn còn lo lắng cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, thôn có 14 người chết vì bệnh ung thư phổi, suy hô hấp, tim mạch. Hiện thôn cũng đang có 4 người sức khỏe nguy kịch vì những căn bệnh trên. Bản thân tôi luôn phải chuẩn bị sẵn trong nhà các loại thuốc và dụng cụ hỗ trợ tim mạch”…
Trong khi đó, theo ông Mai Văn Đề, Bí thư chi bộ thôn Đồng Lạc, người dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng trồng rau màu. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân địa phương, hoạt động của các lò gạch thủ công này còn là “thủ phạm” đang ngày ngày “tàn phá” hoa màu của bà con.
“Khói bụi của lò gạch khiến rau màu của bà con không thể sinh trưởng, phát triển bình thường. Cây lạc là cây trồng chính, vậy mà thường xuyên gặp cảnh năng suất thấp, thậm chí có cây nhưng không có củ hoặc có củ nhưng không có nhân. Trồng được cây rau mồng tơi cũng bị khói lò gạch làm cho cháy xém”, vị Bí thư bức xúc.
Ông Khiếu Đình Vinh- Trưởng thôn Đồng Lạc luôn phải
chuẩn bị sẵn trong nhà các loại thuốc và dụng cụ hỗ trợ tim mạch.
“Xã chưa có cách gì”
Theo hai ông Bí thư chi bộ và Trưởng thôn Đồng Lạc, trên thực tế hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn có giúp một số người dân địa phương có thêm việc làm, thu nhập. Tuy nhiên, việc những năm gần đây các lò gạch gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, kéo theo tình trạng bệnh tật diễn biến ngày càng nguy hiểm… khiến bà con vô cùng hoang mang, lo lắng, không chấp nhận việc “đánh đổi” việc làm với việc sức khỏe bị đe dọa.
Chính vì vậy, theo ông Đề, ông Vinh, những năm gần đây, bà con trong thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương can thiệp, cho chấm dứt hoạt động của các lò gạch trên để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
“Thay mặt bà con, chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh việc này tại các cuộc tiếp xúc với các đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp về tiếp xúc. Vậy nhưng, đơn cứ gửi, phản ánh cứ phản ánh nhưng các lò gạch thì vẫn cứ vô tư hoạt động, ngày ngày nhả khói tra tấn chúng tôi”, ông Đề cho biết thêm.
Liên quan đến phản ánh của người dân, thông tin với PV, ông Đinh Xuân Toàn, Chủ tịch xã Yên Phúc cho hay: Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Nam Định, kế hoạch của UBND huyện Ý Yên về việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn, ngày 7/10/2014, UBND xã Yên Phúc đã xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện, trong đó ấn định đến hết năm 2014 sẽ xóa bỏ dứt điểm các lò gạch thủ công trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, theo ông Toàn, đến nay xã mới chỉ dừng hoạt động được một số lò gạch thủ công quy mô nhỏ. Riêng 9 lò có quy mô sản xuất lớn, trong đó có 7 lò trên địa bàn thôn Đồng Lạc chủ lò chưa chấp hành dừng sản xuất, trong khi chính quyền xã chưa có cách nào dừng hoạt động được.
“Việc cưỡng chế không thuộc thẩm quyền của chính quyền xã do vậy xã đã làm tờ trình, báo cáo UBND huyện Ý Yên nhưng đến nay huyện chưa có ý kiến gì”, ông Toàn giải thích.