Ngành công nghiệp ôtô: Lúng túng hội nhập

Thúy Hằng 03/08/2015 11:10

Thông tin Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Việt Nam (Vinaxuki) phải bán nhà máy để trả nợ ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh 7 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu ôtô đạt tới 3,4 tỉ USD, tăng tới 87,9%, nhập ôtô nguyên chiếc tăng 154,4%... Thực tế cho thấy kết cục buồn của ngành ôtô nội địa.

Ngành công nghiệp ôtô trong nước đang gặp khó.

Thất bại một chiến lược?

Nhà máy sản xuất ô tô số I Mê Linh (Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên Việt Nam (Vinaxuki) phải bán đi để trả nợ cho ngân hàng. Từng đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa cũng là người nhen nhóm giấc mơ ô tô nội nhưng chính ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch HĐQT của công ty này đã không ít lần xác nhận với báo chí: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không thành công.

Vinaxuki rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở” trong suốt 3 năm nay. Bản thân DN này đang ôm khoản nợ lên đến 1.200 tỷ. Việc bán đi nhà máy là điều khó tránh khỏi trong cuộc chiến thương trường ngày càng khốc liệt. Nhưng từ đây cũng nhìn ra thực trạng buồn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Qua hơn 20 năm tồn tại, với hàng ngàn ý tưởng, tốn khá nhiều bút lực cho các chiến lược ngành, ngành này vẫn không gây dựng được điểm gì đáng nhớ. Các nhà máy nội địa bị bán đi, các nhà máy sản xuất liên kết với nước ngoài (FDI) cũng không ngại ngần chia sẻ rằng không dám nói trước điều gì. Đơn giản chỉ biết rằng, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng tăng mạnh (154%).

Vòng xoáy khốn khó của ngành công nghiệp ô tô thực chất đã được nhìn nhận từ trước, và cái khó bung ra lúc nào chỉ là thời điểm. Chưa đi hết nỗi lo về thuế, rồi nỗi lo về vốn thì lại đến câu chuyện công nghiệp phụ trợ… liên tục xảy ra. Hàng ngàn cuộc họp tìm giải pháp, nhưng thực tế giải pháp dường như cứ nằm trên giấy của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý còn DN nội thì bỏ ngành, bán nhà máy.

Ai cũng biết ngành ô tô là câu chuyện nóng trong thời gian gần đây. Nhất là tới năm 2018, thời điểm ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ thực sự bước vào sự cạnh tranh đúng nghĩa khi thuế suất nhập khẩu ô tô chỉ còn 0% theo đúng cam kết của tiến trình tự do hoá thương mại khu vực ASEAN/AFTA. Nguyên nhân chính đẩy ngành công nghiệp ô tô vào thế bí, “bỏ thương vương tội” là ở đâu?

Có một nghịch lý trong ngành là các doanh nghiệp loay hoay tìm sản phẩm chiến lược để phát triển, sản xuất nhưng chọn mãi không ra. Trong khi biểu đồ lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng dọc theo thời gian. Chưa kể trong cuộc chạy đua với DN FDI và DN nhập khẩu nguyên chiếc về bán lại, các DN Việt Nam hoàn toàn không có thế.

Tại buổi họp báo kỷ niệm 15 năm thành lập Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cuối tháng 7 vừa qua, ông Yoshihisa Maruta Chủ tịch VAMA nhìn nhận, do quy mô thị trường nhỏ bé, dung lượng xe thấp và do thị trường tăng trưởng không được như kỳ vọng.

Triển vọng để phát triển thị trường xe sẽ vào năm 2021 hoặc năm 2022 - ô tô hóa bắt đầu, khi có chính sách đi kèm với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Đến cả các DN có vốn ngoại còn phải thừa nhận khó nói trước vào ngành ô tô Việt Nam thì sự thất bại của một DN nội là điều dễ lý giải...

Theo dữ liệu thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu tiêu thụ xe nhập khẩu. Trong tổng doanh số bán trên 150.000 xe các loại của năm 2014 thì xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm khoảng 50%. Còn trong 7 tháng đầu năm 2015, xe ô tô nguyên chiếc vẫn tiếp tục dẫn đầu, cả nước đã nhập về 65.000 xe có tổng giá trị 1,723 tỉ đô la Mỹ, tương ứng tăng 107,7% về số đầu xe.

Đối diện thực tế

Năm 2002, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt. Tuy nhiên, chiến lược này đã không thực hiện được. Tháng 7/2014, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 lại được phê duyệt. Đến nay đã hơn một năm, chiến lược này vẫn chưa được triển khai. Một DN sản xuất ô tô cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin gì về triển khai chiến lược này kể từ thời điểm công bố đến nay”.

Cũng theo phàn nàn của DN, chiến lược do các nhà hoạch định chính sách lập ra, còn thị trường thì khác mà DN phải hoạt động theo thị trường. Nếu sản xuất theo chiến lược, có sản phẩm không biết bán cho ai. Mong muốn của DN là được giảm thuế để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này khó, vì trên thực tế, chỉ cần giữ được ổn định thuế là DN đã thấy may mắn, chưa cần tính đến giảm thuế.

Cũng vào đầu năm mới 2015, Chính phủ ra quyết định đồng ý bán toàn bộ vốn Nhà nước hiện có tại Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam – CTCP (Vinammotor). Và một doanh nghiệp trong ngành điện muốn mua lại Tổng công ty này. Sự chia tay của Nhà nước với tổng công ty Vinamotor, và sau đó là cảnh Vinaxuki bán nhà máy là những chuỗi sự kiện liên tiếp, mà khi ghép nối lại có điểm chung: Sự thất bại của ngành trước cánh cửa thị trường hội nhập.

Thúy Hằng