Bùng nổ kinh doanh trực tuyến
Theo nhận định của giới kinh doanh trực tuyến, tỷ lệ người Việt mua sắm trực tuyến đạt mức gia tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức 11,8%.
DN tăng cường kinh doanh qua mạng. (Ảnh: S. Xanh).
Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương nhận định, xu hướng mua – bán hàng qua kênh điện tử, di động tăng mạnh thông qua doanh thu của DN. Hiện có khoảng 80,2% người tiêu dùng Việt Nam thực hiện ít nhất một giao dịch mua sắm trực tuyến trong vòng 3 tháng qua, 93% người Việt dự định chọn kênh giao dịch này trong 6 tháng tới.
Lý giải sự bùng nổ của kinh doanh trực tuyến giới kinh doanh và chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thương mại trực tuyến phát triển nhanh là do thị trường công nghệ thông tin phủ sóng khá mạnh. Theo các công ty nghiên cứu thị trường thương mại điện tử, Việt Nam có khoảng 90 triệu dân nhưng có đến hơn 128 triệu thuê bao di động, 40 triệu dùng internet, 28 triệu dân có tài khoản mạng xã hội – chủ yếu là facebook.
Chính vì lượng truy cập internet tăng cao trong thời gian qua, cho nên hệ thống thông tin thu hút đông đảo người tiêu dùng mới. Kết quả nhà nhà - người người bán hàng qua mạng như quần áo, thực phẩm, hàng tiêu dùng… và, đơn hàng không ngừng tăng nhanh trong thời gian qua.
Đại diện công ty bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp Lazada Việt Nam cho biết, đơn đặt hàng của người dùng qua thiết bị di động tại Lazada Việt Nam tăng rất mạnh từ đầu năm nay. Hiện tại có khoảng 50% đơn đặt hàng tại Lazada Việt Nam thông di động trong khi con số này chỉ chiếm 22% năm 2014. Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng đơn hàng của công ty qua giao dịch thiết bị di động chỉ tăng 2,5 lần nhưng doanh thu lại tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ các công ty chuyên kinh doanh trực tuyến lên kế hoạch đổi mới để chạy kịp thời đại dưới mọi hình thức, mà những DN không chuyên cũng đang tìm hướng phát triển hình thức kinh doanh mới.
“Để tấn công thị trường đô thị thì phải lấy smartphone là át chủ bài và đẩy mạnh những nội dung trên internet như ứng dụng, quảng cáo… Còn với thị trường nông thôn, cần ưu tiên hình thức và nội dung đơn giản như gọi điện, nhắn tin”, ông Satyajit Ghosh, Giám đốc truyền thông của Unilever Việt Nam thông tin.
Đáng chú ý, sự hài lòng của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua sắm trực tuyến tăng 7,4% so với năm ngoái. Ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương, MasterCard khẳng định: “Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Riêng mua sắm trực tuyến thương mại di động được mong đợi sẽ tiếp tục gia tăng, giúp mang lại những lợi ích và sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam”.
Nhận thức rõ thị trường mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin lên kế hoạch xây dựng huấn luyện tính chuyên nghiệp cho cộng đồng DN. Theo đó, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin tổ chức chương trình đào tạo mô hình kinh doanh trên môi trường số dành cho DN.
“Dự kiến, giai đoạn từ nay đến 2020 chương trình sẽ huấn luyện, đào tạo khoảng 25.000 DN cho 24 tỉnh - thành trên cả nước. Ông trẫn Hữu Linh, Cục Trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin cho biết: Kế hoạch đào tạo năm 2015 sẽ hướng đến các DN vừa và nhỏ, các DN mới thành lập muốn tận dụng xu thế thương mại trực tuyến để kinh doanh Chương trình bắt đầu được tổ chức hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM với quy mô 50 DN trong mỗi khóa. 70% kinh phí thực hiện sẽ vốn ngân sách tài trợ.